KHÁNG SINH NHÓM BETA-LACTAM – NHÓM NGUYÊN THỦY.
- Kháng sinh có cấu trúc hóa học chứa vòng Beta-Lactam. Khi vòng này liên kết với một cấu trúc vòng khác sẽ hình thành các phân nhóm lớn tiếp theo: nhóm Penicilin, nhóm Cephalosporin và các Beta-Lactam khác.
* Trong nhóm này có những kháng sinh điển hình chuyên dùng cho thú y sau:
- Nhóm Penicillin gồm: Penicillin G, Penicillin V, Ampicillin, Amoxicillin.
- Nhóm Cephalosporin gồm 4 thế hệ: Cefotaxime, Ceftiofur, Cefquinome, Ceftriaxone...
- Nhóm chất ức chế Beta-Lactamase: Các chất này cũng có cấu trúc Beta-Lactam, nhưng không có hoạt tính kháng khuẩn, mà chỉ có vai trò ức chế enzym Beta-Lactamase do vi khuẩn tiết ra: Acid clavulanic.
1, Phân nhóm Penicillin
a, Penicillin
* Tính chất
- Hình thức: Dạng đơn chất bột màu trắng.
- Penicillin kém bền nhất trong các loại kháng sinh. pH tối ưu của Penicillin 6 – 6,5.
- Môi trường acid của đường tiêu hóa sẽ làm hỏng hoạt tính kháng khuẩn của thuốc. Môi trường kiềm cũng phá hủy Penicillin.
- Vi khuẩn ở trực tràng có khả năng tiết penicillinase, mở vòng Beta – lactam cũng phá hủy Penicillin.
- Vì vậy Penicillin chỉ tiêm không uống vì nếu cấp thuốc đường uống thì bị acid dạ dày phân hủy hết.
- Hầu hết các Penicillin được hấp thu nhanh chóng khi tiêm dưới da (S.C), tiêm bắp (I.M). Nồng độ tối đa đạt trong máu 15-30 phút, nhưng tối đa 3 tiếng sau là bán hủy hết. Vì vậy điều trị tốt trong bệnh cấp tính, nhưng phải tiêm từ 2 tới 3 lần trong ngày.
*Phổ kháng khuẩn và chỉ định
- Penicillin G, Penicillin V: phổ tác động chủ yếu với vi khuẩn Gram dương (+)
Chỉ định: Penicillin chủ yếu dùng để điều trị các bệnh do vi khuẩn Gram dương (+):
- Bệnh nhiệt thán trên gia súc do Bacillus anthracis.
- Đóng dấu lợn (dấu son) do Erysipelothrix rhusiopathiae.
- Viêm ruột hoại tử do Clostridium
- Viêm vú, viêm da, khớp xương, nhiễm trùng huyết do tụ cầu vàng Staphylococcus aureus, Streptococcus spp (liên cầu khuẩn).
- Viêm phổi, viêm tử cung, viêm vú, viêm khớp do Corynebacteria.
- Viêm não và viêm màng não mãn tính trên heo, động vật nhai lại trưởng thành do Listeria spp.
- Ngoài ra còn có tác dụng với số ít vi khuẩn Gram âm (-) là: Bệnh tụ huyết trùng do Pasteurella multocida, cúm heo, xoắn khuẩn Leptospirosis (bệnh nghệ, gây xảy thai truyền nhiễm).
- Thuốc được bài tiết ở đường tiết niệu với nồng độ cao ở thận, do đó thuốc có thể trị các bệnh nhiễm khuẩn Gram dương (+) ở thận và đường tiết niệu (bệnh này thường có trên heo nái).
- Penicillin có thể dùng để kết hợp trị viêm vú nhưng phải kết hợp với Sulfamid rất nhanh khỏi.
Chú ý:
- Khi điều trị viêm vú, viêp khớp nên kết hợp thuốc chống viêm Dexamethasone sẽ khỏi nhanh, thậm chí tiêm thẳng vào ổ khớp hoặc gốc vú rất tốt.
- Đặc biệt khi điều trị Tụ huyết trùng nên phối hợp cùng Streptomycin và Kanamycin cho kết quả tốt không bị tái nhiễm. Phối hợp Penicillin + Kanamycin không pha vào nhau để tiêm mà tiêm mỗi thuốc một bên tai. Nếu hòa vào nhau sẽ sinh kết tủa.
* Độc tính:
- Penicillin nhóm kháng sinh ít độc nhất. Tuy nhiên, cần đề phòng tình trạng dị ứng. Mức độ thể hiện độc tính trong lâm sàng thay đổi tùy theo từng loài và cá thể.
- Sưng phù họng có thể thấy ở những con chó được điều trị bằng Penicillin.
- Triệu chứng thần kinh cũng có thể gặp khi truyền tĩnh mạch Na bezathin penicillin.
- Tác dụng phụ ở bò khi tiêm Penicillin là thở khó khăn, chảy nước dãi, phù da vùng đầu và vùng bụng.
- Ở heo có triệu chứng: bỏ ăn, mệt mỏi, nôn ói, tím tái và sốt. Sử dụng 5mg Dexamethasone khắc phục tình trạng này.
- Một số biểu hiện trên da và niêm mạc cũng có thể xuất hiện (viêm da, phù niêm mạc mắt).
b, Ampicillin
- Ampicillin là 1 loại Penicillin bán tổng hợp, nghĩa là từ Penicillin con người đã điều chế ra Ampicillin.
- Rất hữu dụng có khả năng khống chế cả vi khuẩn Gram âm (-) và Gram dương (+). Có phổ kháng khuẩn tương đương Chloramphenicol (đã bị cấm) và Tetraxilin. Do đó Ampicillin được coi là thuốc có phổ kháng khuẩn rộng.
- Ampicillin phân bố ở gan, mật, thận, cơ, mô mỡ và có khuynh hướng nồng độ cao trong mô hơn trong máu.
- Bằng đường uống: thuốc hấp thu chậm, kém ở đường ruột, sau 2 tiếng mới đạt nồng độ cao trong máu.
- Bằng đường tiêm: thuốc khuếch tán tốt vào các mô sau 30 phút tới 1 tiếng, 18-20% thuốc sẽ gắn vào Protein trong máu.
- Đặc biệt: ở trong mật nồng độ thuốc gấp tới 10 lần trong máu. Chính vì vậy mà Ampicillin để trị các bệnh về đường tiêu hóa rất tốt như trị E.coli và Thương hàn, vì khi mật tiết xuống đường tiêu hóa sẽ đi kèm cả thuốc.
- Trong cơ thể thuốc khuếch tán rộng nhưng tập trung nhất ở gan, thận, một số ít tới được màng não tủy và nhau thai. Dựa vào đây để khẳng định thuốc có thể điều trị vi khuẩn liên quan viêm màng não, khớp, viêm tử cung và viêm vú.
* Chỉ định:
- Trên heo đặc trị tiêu chảy phân trắng, thương hàn, viêm ruột hoại tử, tụ huyết, đóng dấu, phù thũng heo con, viêm vú, viêm tử cung và viêm khớp, đau móng.
- Sự kết hợp của Ampicillin và Colistin tạo ra một loại thuốc có phổ kháng khuẩn rộng, hiệu quả với những vi khuẩn Gram âm (-) và Gram dương (+) và Mycoplasma. Trên gia cầm: Đặc trị các bệnh tiêu chảy phân xanh, phân trắng, phân vàng nhớt có máu, thương hàn, sưng phù đầu, tụ huyết trùng, viêm rốn, viêm phổi, viêm màng phổi gây ra bởi vi khuẩn E.coli, Salmonella, Clostridium, Mycoplasma, Haemophilus spp.
- Ampicillin kết hợp tốt với nhóm Sulfamid làm tăng hiệu lực điều trị.
- Kết hợp tốt với Gentamicin, Kanamycin, Neomycin, Streptomicin nhưng không được hòa vào tiêm chung mà phải tiêm ở 2 vị trí khác nhau trên heo.
* Độc tính:
- Giống như Penicillin thuốc có thể dùng liều cao trong thời gian dài mà ít gây độc, có thể có tác dụng phụ là ban đỏ nổi nốt ban trên da heo.
c, Amoxicillin
- Amoxicillin cấp đường tiêm thường được dùng dưới dạng huyễn dịch sữa.
- Là kháng sinh bán tổng hợp từ Penicillin, có phổ tác dụng tương tự như Ampicillin thậm chí rộng hơn.
* Dược động học
- Amoxicillin bền trong môi trường acid dịch vị. Hấp thu không bị ảnh hưởng bởi thức ăn, nhanh và hoàn toàn hơn qua đường tiêu hóa so với Ampicillin. Khi uống cùng liều lượng như Ampicillin, nồng độ đỉnh Amoxicillin trong huyết tương cao hơn ít nhất 2 lần.
- Amoxicillin phân bố nhanh vào hầu hết các mô và dịch trong cơ thể, trừ mô não và dịch não tủy, nhưng khi màng não bị viêm thì Amoxicillin lại khuếch tán vào dễ dàng.
- Amoxicillin cũng dễ dàng phân bố vào tuyến vú, nếu heo nái tiêm Amoxicillin thì một phần bài tiết vào sữa mẹ. Và là 1 loại kháng sinh có phổ rộng, an toàn cho nái nên được chọn điều trị cho heo nái chửa và nái mang thai nhiễm khuẩn, viêm vú, viêm tử cung.
- Phổ tác dụng của Amoxicillin có thể rộng hơn khi dùng đồng thời với Sulbactam và acid clavulanic, một chất ức chế Beta - lactamase.
Vì vậy: Amoxicillin được chỉ định điều trị các bệnh gây ra bởi các nhóm vi khuẩn Gram âm (-) và Gram dương (-) tại : đường tiêu hóa , đường hô hấp, đường tiết niệu, da và mô miềm…
- Tuy nhiên: phổ kháng khuẩn rộng nhưng Ampicillin, Amoxicillin tác dụng với Gram dương (+) lại yếu hơn Penicillin.
2, Cephalosporin
- Cephalosporin là nhóm kháng sinh bán tổng hợp (bắt nguồn từ nấm cephalosporin) có cấu trúc hóa học gần giống các Penicillin, nhưng có hoạt tính kháng sinh cao hơn, rộng hơn.
- Dựa vào tính chất hóa học, vi sinh học và trình tự phát triển, các Cephalosporin được chia thành 4 thế hệ. Xếp theo thứ tự từ thế hệ I đến thế hệ IV, hoạt tính trên vi khuẩn Gram dương (+) giảm dần, hoạt tính trên vi khuẩn Gram âm (-) tăng dần.
* Phổ kháng khuẩn:
- Thế hệ thứ I: Đặc trị những vi khuẩn Gram dương (+) đã kháng Penicillin, hoạt tính yếu đối với khuẩn Gram âm (-). Cephalosporin hệ thứ I dùng đường uống để điều trị các nhiễm trùng ngoài da, nhiễm trùng đường tiểu ở chó do Staphylococcus intermedius, viêm vú ở bò do S.aureus và Streptococci.
- Thế hệ thứ II: hoạt tính đối với Gram dương (+) kém hơn thế hệ I, nhưng đối với Gram âm (-) mạnh hơn với thế hệ I nhưng không mạnh bằng thế hệ 3.
- Thế hệ thứ III: Có hoạt tính đối với Gram dương (+), Gram âm (-), vi khuẩn kị khí và Pseudomonas. đại diện cho Thú y: là Ceftriaxone, Cefotaxime và Ceftiofur.
Chỉ định: Dùng cho heo, trâu, bò, dê, cừu trong các trường hợp : tiêu chảy do E.coli và Salmonella, tụ huyết trùng, viêm khớp, viêm màng não tủy, viêm đường tiết niệu, đau móng, sót nhau, viêm vú, viêm tử cung, mất sữa (hội chứng MMA), bệnh đóng dấu son, viêm da, mụn nhọt, ổ áp xe làm mủ, nhiễm trùng vết thương, sẩy thai truyền nhiễm do vi trùng.
- Đặc biệt, thuốc rất hiệu quả trong việc điều trị các bệnh kế phát của những bệnh do virus heo tai xanh (PRRS), FMD, dịch tả heo, Circovirus type2, Coronavirus...
- Thế hệ thứ IV: Có đại diện là Cefquinome trong thú y. Cefquinome có nhiều đặc tính ưu việt, có thể coi Cefquinome là tổng hợp những yếu điểm ưu việt của Cả Penicillin và Cefotaxime hay Ceftiofua. Nó có phổ kháng khuẩn rộng bao gồm cả vi khuẩn Gram âm (-) và Gram dương (+); tác động nhanh, hiệu quả kéo dài; diệt cả những bị khuẩn đã kháng Penicillin; Amoxicillin; Ampicillin; xuyên qua màng não và khớp; chưa bị đề kháng mức độ cao. Ngoài ra, loại kháng sinh này cũng an toàn cho bào thai nên đước sử dụng Cho Heo nái.
Chỉ định: Đặc trị viêm ruột tiêu chảy, sưng phù đầu do E.coli, tụ huyết trùng, phó thương hàn, hen suyễn, viêm phổi, viêm màng phổi, nhiễm trùng kế phát bệnh truyền nhiễm, kế phát sau tai xanh (PRRS), LMLM.
- Trị viêm vú, viêm tử cung, viêm đường tiết niệu, lepto (bệnh nghệ)... ở lợn, trâu, bò dê, cừu, chó, mèo.
- Hầu hết các sản phẩm có Cephalosporin đều là thuốc dùng trong nhân y. Nhiều loại rất đắt tiền nên không thích hợp là kháng sinh chỉ định đầu tiên trong thú y khoa.
3. Phối hợp kháng sinh
Các phối hợp tạo tác dụng hiệp đồng: Beta-Lactam với các chất ức chế Beta-Lactamase, nhóm Aminosid (Streptomycin, Gentamycin, Tobramycin, Neomycin, Kanamycin), Polypeptide (Colistin)..
- Amoxicillin kết hợp với acid clavulanic theo tỉ lệ 4:1, tác dụng trên Staphylococci, Gonococci và E.coli.
Bài viết tiếp theo chúng ta sẽ tìm hiểu về nhóm Aminosid mời bạn đọc theo dõi.