TT Phân Phối Thuốc Trang Trại FARMVET : X Kim Anh- H Kim Thành- T Hải Dương- GPKD số: 04F8000473- MST: 0800307128

Tư vấn kỹ thuật : 0977565565 | 8h – 19h00 ( Từ Thứ Hai  đến Thứ Bảy )

PHÒNG BỆNH TAI XANH TRONG CHĂN NUÔI HEO HIỆN NAY

18/04/2025 | Admin
Phòng bệnh
a. Vệ sinh phòng bệnh
Với những trại chưa bị dịch cần thực hiện nghiêm ngặt các bước sau:
- Cải thiện môi trường trong chuồng nuôi: thoáng mát, giảm mùi hôi chuồng,...
- Thực hiện biện pháp chăn nuôi “cùng vào - cùng ra”
- Vệ sinh, sát trùng thường xuyên
- Cho lợn ăn cám có bổ sung thuốc (có kháng sinh) và cho ăn đủ lượng theo nhu cầu từng lứa tuổi
- Tránh nhập lợn mới vào trại trong lúc dịch đe dọa
- Loại thải những lợn còi cọc, bệnh nặng
- Kiểm soát nguồn tinh tốt
- Tiêm đầy đủ vacxin phòng các bệnh: dịch tả lợn, FMD, Mycoplasma, PRRS (vacxin tai xanh sống cải tiến), circovirus,...
b. Phòng bệnh bằng vacxin
Trên thị trường thế giới có ít nhất là 21 loại vacxin phòng bệnh tai xanh. Tại Việt Nam một số loại vacxin PRRS đang lưu hành do các công ty trong nước sản xuất hoặc nhập khẩu, ví dụ vacxin của hãng Bestar (Singapore); Hipra (Tây Ban Nha); Boehringer Ingelheim (Đức) và JXA1-R của Trung Quốc. Vacxin có thể đơn giá hoặc đa giá kết hợp phòng bệnh khác ở lợn như Suyễn, PCV2,...
Một khi trại bị nhiễm virus PRRS, người ta dùng phương pháp “phơi nhiễm có kiểm soát” (controlled hoặc planned exposure) và “đóng cửa đàn” (herd closure) trong 6 tháng, để tạo miễn dịch đồng chủng (homologous) với virus có mặt trong trại. Vacxin sở dĩ không có bảo hộ trọn vẹn (chéo) là do không cho miễn dịch dị chủng (heterologous). “Phơi nhiễm có kiểm soát” là lấy virus hiện trường tiêm cho toàn đàn nái và hậu bị cùng một thời điểm. Còn “đóng cửa đàn” là không nhập lợn hậu bị và tinh dịch từ bên ngoài vào trại. Như vậy, trại lợn sẽ đạt được tình trạng, theo thuật ngữ chuyên môn, gọi là ”dương tính.” (positive), “ổn định” (stable) và không lưu hành (inactive). Lúc này, “dương tính” có nghĩa là có kháng thể bảo hộ. “Ổn định” nghĩa là virus không còn bài thải qua bào thai (không còn lây từ mẹ sang con); “không gây sảy thai và không lưu hành” có nghĩa là virus không còn lây nhiễm từ lợn này sang lợn khác sau khi sinh và sau cai sữa và không gây rối loạn hô hấp.
Chính vì vậy, trong bối cảnh thực tế ở Việt Nam, gần như khó hay không thể duy trì tình trạng âm tính được đối với PRRS ở các trại chăn nuôi lợn. Vì vậy, duy trì sự ổn định của đàn đối với PRRS là cần thiết. Phương pháp này cũng có mục đích như phương pháp dùng vacxin, chỉ khác là sử dụng chính con virus thực địa của trại để phơi nhiễm toàn đàn nái cùng một lúc để rút ngắn thời gian nhiễm tự nhiên và tạo miễn dịch bảo hộ đồng chủng 100% cùng một lúc. Dĩ nhiên là có tổn thất, nhưng tiên liệu được và sau 3 tháng đàn ổn định, thời gian bảo hộ kéo dài 2 năm với điều kiện không có chủng virus khác xâm nhập.
Một số loại vacxin được giới thiệu để phòng bệnh PRRS như sau:
- Vacxin phòng PRRS BSL-PS100: Vacxin sống nhược độc dạng đông khô có nguồn gốc từ chủng JKL-100 thuộc dòng virus gây PRRS Bắc Mỹ. Một liều vacxin chứa ít nhất 105 TCIDso. Vacxin chỉ được pha với dung dịch pha chuyên biệt, sử dụng tiêm bắp với liều 20 ml/lợn. Miễn dịch chắc chắn sau tiêm 1 tuần và kéo dài 4 tháng. Lợn con tiêm lần đầu vào lúc 3 tuần tuổi. Lợn đực giống tiêm lúc 18 tuần tuổi và tái chủng hàng năm. Nái hậu bị và nái sinh sản tiêm phòng trước khi cai sữa cho con hoặc trước lúc phối giống.
- Vacxin phòng PRRS BSK-PS100: Vacxin vô hoạt chứa chủng virus PRRS dòng gây bệnh ở châu Âu. Một liều vacxin chứa ít nhất 107,5 TCIDso. Vacxin an toàn và gây miễn dịch tốt. Liều dùng 2 ml/con, tiêm bắp. Bảo quản vacxin ở 2-6°C. Lợn con: sử dụng lần đầu vào lúc 3-6 tuần tuổi. Nái hậu bị: tiêm lúc 18 tuần tuổi, tiêm nhắc lại sau 3-4 tuần. Nói sinh sản: tiêm 3-4 tuần trước khi phối giống. Lợn đực giống: tiêm lúc 18 tuần tuổi, tái chủng sau mỗi 6 tháng.
- Vacxin nhược độc đông khô phòng bệnh tai xanh (chủng JXA1-R): Chủng virus dùng để chế vacxin là chủng cường độc tại Trung Quốc (thuộc dòng Bắc Mỹ), được cấy truyền nhiều đời trên môi trường tế bào để làm giảm độc lực. Đối với lợn con từ 14 ngày tuổi đến dưới 30 ngày tuổi tiêm 1ml (1/2 liều), sau 28 ngày tiêm nhắc lại 2ml (1 liều), sau đó cứ 4 tháng tiêm nhắc lại 1 lần với lượng 2ml (1 liều); Đối với lợn trên 30 ngày tuổi tiêm lượng 2ml (1 liều), sau đó cứ 4 tháng tiêm nhắc lại 1 lần với lượng 2ml (1 liều). Đường tiêm: tiêm bắp sâu sau vành tai, tiêm cho lợn khỏe mạnh từ 14 ngày tuổi trở lên. Lợn nái trước khi phối giống và đực giống (lưu ý: ngừng khai thác tinh trong vòng 2 tháng kể từ lúc tiêm phòng). Tiêm phòng cho lợn ở vùng có nguy cơ cao, trại lợn giống, trại lợn nuôi tập trung. Sau khi tiêm có thể xuất hiện phản ứng phụ như sốt nhẹ, tăng tần số hô hấp, những biểu hiện này sẽ mất đi trong vòng 2 ngày có thể can thiệp bằng các loại thuốc chữa triệu chứng thông thường. Kết quả khảo nghiệm cho thấy lợn có phản ứng, chết thấp dưới 1%. Vacxin có tác dụng kích thích lợn sản sinh đáp ứng miễn dịch 14-28 ngày sau khi tiêm phòng. Tuy nhiên, cần khuyến cáo rõ cho người chăn nuôi là lợn được tiêm phòng vẫn có thể bị nhiễm virus gây bệnh tai xanh cường độc; khi bị nhiễm bệnh, lợn được tiêm phòng sẽ bài thải virus trong thời gian ngắn hơn và hồi phục nhanh hơn.
Trong những năm gần đây, một số công ty sản xuất vacxin trong nước đã và đang nghiên cứu để đưa ra thị trường vacxin phòng PRRS sử dụng chủng virus vacxin là virus phân lập từ các ổ dịch tại Việt Nam. Ví dụ:
- Vacxin phòng bệnh Tai xanh của công ty Hanvet: Vacxin đông khô, mỗi liều vacxin chứa ít nhất 105 TCIDs, virus PRRS nhược độc chủng HANVETI.VN (được đánh giá phù hợp với chủng gây bệnh tại Việt Nam) và chất bổ trợ.
Chỉ định: Dùng phòng bệnh tai xanh (PRRS) cho lợn khỏe mạnh, sau khi tiêm vacxin 21-28 ngày, lợn có miễn dịch phòng bệnh, miễn dịch của vacxin kéo dài 4 tháng.
Cách dùng và liều dùng: Dùng dung dịch pha vacxin hoặc nước sinh lý mặn vô khuẩn đã được làm mát để pha. Căn cứ vào số liều ghi trên lọ vacxin để pha sao cho mỗi liều có thể tích 1ml. Tiêm bắp thịt sau tai, mỗi
con một liều vacxin.
Tiêm phòng cho lợn theo chỉ dẫn sau: Lợn con từ 3 tuần tuổi, tiêm 1 liều/con. Tiêm nhắc lại sau 4 tháng theo chỉ định; Lợn nái trước khi phối giống 2 tuần, tiêm 1 liều/con; Chống chỉ định: Lợn đang ốm, lợn nái đang mang thai.
Thời gian ngưng thuốc trước khi giết mổ: Không.
Bảo quản và hạn sử dụng: bảo quản 18 tháng dưới -15°C (ngăn đá tủ lạnh); 4 tháng ở nhiệt độ từ 2-8°C. Trong quá trình vận chuyển, vacxin được bảo quản ở nhiệt độ dưới 8°C.
- Vacxin nhược độc đông khô Tai xanh (Navetco): Là vacxin dạng đông khô được sản xuất từ virus PRRS nhược độc, chủng EG08 (chủng Bắc Mỹ), có nguồn gốc từ chủng virus PRRS thể độc lực cao. Lợn được bảo hộ sau khi tiêm 21-28 ngày. Độ dài miễn dịch của vacxin kéo dài từ 4 đến 6 tháng.
- Vacxin MAR-PRRS.VAC (Marphavet): Vacxin nhược độc chế từ chủng PRSSV Bắc Mỹ phân lập tại Việt Nam.
Tiêm phòng khẩn cấp khi có ổ dịch xảy ra (theo TT số 07/2016/TT- BNNPTNT ngày 31/5/2016):
“- Khi có ổ dịch tai xanh xảy ra, tổ chức tiêm phòng cho lợn mẫn cảm với bệnh tại các thôn, ấp, bản nơi xảy ra dịch; đồng thời tổ chức tiêm phòng bao vây ổ dịch theo hướng từ ngoài vào trong đối với lợn mẫn cảm tại các thôn, ấp, bản chưa có dịch trong cùng xã và các xã tiếp giáp xung quanh với xã có dịch.
- Huy động lực lượng tại chỗ hỗ trợ tiêm phòng; người trực tiếp tham gia tiêm phòng phải là nhân viên thú y hoặc người đã qua tập huấn về tiêm phòng.
- Cơ quan quản lý chuyên ngành thú y địa phương hướng dẫn, quản lý, thực hiện tiêm phòng và giám sát việc tiêm phòng.”

( Nguồn: BỆNH HÔ HẤP PHỨC HỢP Ở LỢN VÀ BIỆN PHÁP PHÒNG CHỐNG - NXB NÔNG NGHIỆP - 2024 )
Thong ke

Gửi tin nhắn qua Zalo