1, Đầu tiên ta tìm hiểu về mầm bệnh:
Vi khuẩn, virus, kí sinh trùng, nấm đều gọi chung là mầm bệnh.
a, Đặc điểm của Mầm bệnh.
- Mầm bệnh luôn tồn tại ở môi trường chuồng nuôi, trong không khí, thậm chí trong cơ thể vật nuôi.
- Mầm bệnh khi xâm nhập vào cơ thể sẽ tạo ra độc lực. Độc lực tác động gây ra tình trạng bệnh, nhẹ, nặng, gây chết vật nuôi tùy vào độc lực mầm bệnh, thể trạng, sức đề kháng của vật nuôi.
- Mầm bệnh phải đạt đến số lượng và độc lực nhất định mới có thể gây bệnh cho vật nuôi. Ví dụ 1 tế bào vi khuẩn Tụ huyết cũng đủ gây bệnh cho Thỏ, nhưng hàng triệu tế bào đó mới đủ gây bệnh cho heo.
- Mầm bệnh xâm nhập cơ thể vật nuôi phải vượt qua sự chống đỡ của cơ thể (tức là sức đề kháng của vật nuôi) thì mới gây bệnh cho vật nuôi
- Những yếu tố như môi trường chuồng nuôi, điều kiện khí hậu, thời tiết… bất lợi sẽ ảnh hưởng, làm vật nuôi yếu đi là kẻ hậu thuẫn đắc lực cho mầm bệnh phát triển và chiến thắng đề kháng cơ thể dẫn đến vật nuôi bị bệnh.
b, Đường xâm nhập:
- Mỗi loại bệnh có những đường xâm nhập khác nhau, có thể có 1 hoặc nhiều đường xâm nhập vào cơ thể.
- Đường xâm nhập có ý nghĩa quan trọng trong hiện tượng nhiễm bệnh. Nếu đường xâm nhập thích hợp thì mầm bệnh dễ dàng gây bệnh, nếu đường xâm nhập không thích hợp thì mầm bệnh có thể không gây bệnh. Ngoài ra, cùng một đường xâm nhập nhưng ở những vị trí khác nhau trên cơ thể thì có thể gây nên những hiện tượng bệnh lý khác nhau.
- Những đường xâm nhập chủ yếu là đường tiêu hóa, qua da, niêm mạc, sinh dục – tiết niệu và máu.
- Khả năng xâm nhập vào cơ thể, sinh sôi nảy nở, khả năng gây bệnh với một số lượng lớn nhất định cùng với khả năng chịu được ngoại cảnh, tồn tại ngoài môi trường, tất cả hợp lại thành khả năng xâm nhiễm của mầm bệnh. Khả năng này làm cho mỗi bệnh truyền nhiễm có tính chất riêng biệt. Điều này có ý nghĩa quan trọng trong công tác phòng chống bệnh dịch.
c. Quy trình nhiễm bệnh:
- Khi mầm bệnh bắt đầu xâm nhập vào cơ thể gọi là hiện tượng nhiễm trùng.
- Sự nhiễm trùng trở thành bệnh khi mầm bệnh chiến thắng sự đề kháng của vật nuôi.
- Mầm bệnh sau khi xâm nhập vào cơ thể khu trú cục bộ ở một tổ chức thuận lợi cho sự phát triển của nó. Loài nằm một chỗ tiết độc tố đi khắp cơ thể, loại lan dần từ tổ chức này sang tổ chức khác như viêm da, thần kinh, loài theo đường máu và mạch lâm ba (lympho) gây ra bại huyết, nhiễm trùng huyết, nhiễm độc huyết.
- Nhiễm trùng do một loại mầm bệnh gây ra gọi là nhiễm trùng đơn.
- Nhiễm trùng do hai hay nhiều mầm bệnh cùng một lúc gọi là nhiễm trùng ghép. Trong quá trình này thường có tính cộng hưởng, mầm bệnh này làm tăng độc lực cho mầm bệnh kia. Gây triệu chứng lâm sàng phức tạp. Vật nuôi vừa có bệnh tích của bệnh này vừa có bệnh tích của bệnh kia.
- Khi vật nuôi đã nhiễm trùng và mầm bệnh này tạo điều kiện cho mầm bệnh thứ hai xâm nhập thì gọi là nhiễm trùng kế phát.
- Trong quá trình nhiễm trùng, nếu mầm bệnh sinh sản và phát triển một thời gian dài trong máu thì gọi là bại huyết nhưng nếu nó không sinh sản trong đó thì gọi là nhiễm trùng huyết.
- Nếu quá trình này do các vi khuẩn sinh mủ gây nên thì gọi là nhiễm trùng mủ huyết.
B, Các thể bệnh
- Các thể bệnh có thể xảy ra trong quá trình mắc bệnh thể hiện sự đấu tranh giữa cơ thể và mầm bệnh. Tùy theo tính chất và thời gian kéo dài của các thể bệnh mà phân biệt các thể: Thể quá cấp tính, Thể cấp tính, Thể mãn tính, Thể ẩn tính, Thể không điển hình, Thể khỏe mang trùng
- Các thể ác tính (quá cấp tính và cấp tính) làm chết nhanh và nhiều vật nuôi.
- Thể ẩn, thể khỏe mang trùng thường khó nhận biết, khó chẩn đoán kịp thời.
Các thể trên đều có thể chuyển hóa từ thể này sang thể khác tùy theo sự biến đổi sức đề kháng của cơ thể vật nuôi và phác đồ điều trị của con người.
Chúng ta đã biết vật nuôi có rất nhiều bệnh, nghe tên bệnh đã thấy phức tạp rồi. Để dễ hiểu và hình dung chúng ta chia thành các nhóm do các mầm bệnh: vi khuẩn, vi rút, kí sinh trùng, nấm.
a, Nhóm bệnh do Virus
Virus trung bình chỉ nhỏ bằng 1/100 kích thước vi khuẩn, chỉ có thể sống và sinh nở bằng cách ký gửi vào 1 tế bào sống khác, gắn vào thông tin di truyền của tế bào.
Có những loài virus gây bệnh phổ biến trên vật nuôi sau:
+ Gia cầm: Neucastle, Gumboro, Cúm gia cầm, Đậu gà…
+ Gia súc: Tai xanh ở lợn, Dịch tả châu phi, Lở mồm long móng..
BỆNH DO VIRUS THÌ KHÔNG CÓ THUỘC ĐẶC TRỊ BẰNG KHÁNG SINH. Tuy không chữa được bằng kháng sinh nhưng có thể điều trị bằng cách khác
b, Nhóm bệnh do ký sinh trùng
Ký sinh trùng: gọi là các động vật bậc thấp hay động vật ký sinh
Các ký sinh trùng thường gây bênh trên vật nuôi: Ký sinh trùng đường máu, Cầu trùng, Giun tròn, Giun ruột, Giun phổi, Sán dây, Ghẻ, Rận, Bọ chét…
BỆNH DO KÝ SINH TRÙNG THÌ CÓ THUỐC ĐẶC TRỊ RIÊNG.
c, Nhóm bệnh do vi khuẩn:
Vi khuẩn là vi sinh vật nhân sơ đơn bảo, kích thước rất nhỏ, không nhìn thấy được bằng mắt thường, nhìn thấy được dưới kính hiển vi. Có những vi khuẩn có lợi và những vi khuẩn có hại gây độc tính trên vật nuôi gây bệnh sau:
+ Gia cầm: Tụ huyết trùng, Thương hàn, Bạch lỵ, E.coli, Viêm ruột hoại tử…
+ Gia súc: Tụ huyết trùng, Lepto, Phó thương hàn, Viêm da tiết dịch…
BỆNH DO VI KHUẨN THÌ CHỮA ĐƯỢC BẰNG KHÁNG SINH
Và những bài về sau admin cũng sẽ đề cập về những kháng sinh điều trị những bệnh phổ biến do vi khuẩn. Những kháng sinh nào dùng cho bệnh nào, cách dùng và lưu ý… mời bạn đọc theo dõi ở những bài viết tiếp theo.
Tài liệu tham khảo : Bài viết có tham khảo những chia sẻ của Facebook Tiến Thìn , sách DƯỢC LÝ THÚ Y của PGS.TS Võ Thị Trà An và cộng sự … và những kiến thức tổng hợp của thuoctrangtrai.com hi vọng có thể chuyển tải những kiến thức bổ ích đến người chăn nuôi.