CÁC ĐƯỜNG ĐƯA THUỐC VÀ MẶT TRÁI CỦA KHÁNG SINH.
1. Các đường đưa thuốc kháng sinh vào cơ thể vật nuôi.
a, Đường tiêu hóa (đường uống, ăn).
- Thuốc được cấp qua đường tiêu hóa sẽ được hấp thu ở niêm mạc dạ dày, ruột non.
- Ưu điểm: tiện lợi, dễ thực hiện và an toàn nhất, chuyên để phòng bệnh.
- Nhược điểm: sự hấp thu thuốc phụ thuộc vào nhiều yếu tố như tình trạng dạ dày ruột, thành phần thức ăn.
- Thuốc có thể bị mất tác dụng do độ pH của dịch vị và các enzyme tiêu hóa thấp có thể phá hủy thuốc.
- Dạ cỏ của thú bốn túi có dung tích lớn, chất chứa hàng trăm lít sẽ làm loãng thuốc hoặc có thể ảnh hưởng đến hệ vi sinh vật dạ cỏ. Do đó, chỉ cấp thuốc bằng đường tiêu hóa cho loài nhai lại khi thật cần thiết.
- Các thuốc có ion hóa sẽ không hoặc kém được hấp thu từ đường tiêu hóa. Các thuốc có bản chất acid yếu ít bị ion hóa nên hấp thu tốt tại dạ dày. Thuốc có tính kiềm yếu hấp thu tốt ở ruột non.
b, Đường tiêm (tiêm dưới da, tiêm bắp, tiêm tĩnh mạch, tiêm phúc mạc).
- Ưu điểm: hấp thu nhanh và nhanh có tác dụng, chuyên dùng để trị bệnh.
- Nhược điểm: đòi hỏi điều kiện vô trùng, người cấp thuốc phải có kĩ thuật, thuốc thường đắt tiền, kém an toàn và gây đau.
* Tiêm dưới da: thuốc có tác dụng sau 30-60 phút tiêm dưới da. Liều dùng bằng 1/3 liều uống. Các thuốc có tính kích ứng, gây xót (thuốc có pH < 3 hoăc > 8 tránh dùng đường này.
* Tiêm bắp: dùng đường tiêm này, thuốc có tác dụng nhanh hơn tiêm dưới da, tác dụng trong khoảng 10-30 phút, liều dùng bằng 1/2 liều uống. Có thể tiêm bắp một số thuốc mà đường tiêm dưới da gây đau xót.
* Tiêm tĩnh mạch: thuốc thâm nhập nhanh chóng và toàn vẹn vào hệ tuần hoàn chung. Tác dụng sau 30 giây đến 5 phút, liều cấp bằng 1/2-1/4 liều uống. Thường áp dụng cho các trường hợp cấp cứu, cần thuốc có tác dụng tức thời hoặc không gây đau xót. Cần hết sức cẩn trọng trong đường cấp thuốc này: sự đẳng trương của thuốc, tốc độ cấp thuốc, tuyệt đối không sử dụng dung môi là các chất dầu, chất không tan.
* Tiêm phúc mạc: với bề mặt hấp thu lớn cùng mạng lưới mao mạch phát triển của phúc mạc, thuốc được hấp thu nhanh chóng gần bằng đường tiêm tĩnh mạch. Có thể cấp một lượng lớn thuốc trong thời gian ngắn mà đường tiêm tĩnh mạch khó thực hiện. Với đường cấp này cần chú ý tránh viêm nhiễm, thủng ruột, bàng quang.
c, Các đường khác.
Ngoài các đường phổ biến trên thuốc còn có thể sử dụng ở đường khác như: bôi, xịt, nhỏ, phun xương, khí dung, đặt …
- Đường thấm qua màng nhày khí quản, cuống phổi, bì mô phế nang (hít, ngửi). Đường cấp này áp dụng cho thuốc bay hơi, dễ bay hơi, khí dung. Thuốc hấp thu qua diện tích rộng lớn của bộ máy hô hấp vào mạng mao quản và hệ tuần hoàn chung.
- Đường trực tràng: đường này tránh được tác động chuyển hóa tại gan. Có thể dùng cho thuốc có mùi khó chịu.
- Đường dùng tại chỗ: đặt vào âm đạo, tử cung, bơm vào nhũ tuyến. Thường dùng trong điều trị cục bộ tại nơi áp dụng.
2, Những yếu tố ảnh hưởng đến tác dụng của kháng sinh và hiệu quả điều trị.
a, Yếu tố bên trong cơ thể (liên quan đến cơ thể vật nuôi).
- Tuổi tác: gia súc non: hệ thống chuyển hóa và bài thải thuốc chưa hoàn chỉnh; gia súc gìa: chức năng các cơ quan giảm nên khả năng tác dụng thuốc của hai đối tượng này bị ảnh hưởng.
- Trọng lượng: căn cứ vào trọng lượng và diện tích bề mặt cơ thể để tính liều lượng thuốc cần cấp.
- Giới tính: mức độ nhạy cảm thuốc của thú đực và thú cái có thể khác nhau.
- Cách dùng thuốc: liên quan đến hiện tượng quen thuốc, lệ thuộc thuốc, đề kháng thuốc.
- Điều kiện dinh dưỡng: trong thức ăn, protein đặc biệt liên quan đến hiện tượng gắn kết thuốc cũng như các enzyme chuyển hóa thuốc.
- Tình trạng bệnh lý: các bệnh về gan, thận ảnh hưởng nhiều đến tác dụng của thuốc.
b, Yếu tố ngoài cơ thể (liên quan đến thuốc)
- Cấu trúc hóa học, tính chất vật lý của thuốc: một thay đổi dù rất nhỏ về cấu tạo hóa học của thuốc cũng ảnh hưởng đến tác dụng.
- Liều dùng và nồng độ: sai liều, quá liều… cũng ảnh hưởng đến tác dụng của thuốc.
- Nhịp cấp thuốc: là khoảng thời gian giữa các lần cấp thuốc dài hoặc ngắn cũng bị ảnh hưởng.
- Ngoài ra có thể do thuốc hết hạn sử dụng, thuốc bị biến chất, thuốc không đúng mục đích sử dụng … đều ảnh hưởng đến tác dụng của kháng sinh và hiệu quả điều trị.
3. Những Mặt trái của kháng sinh
- Kháng sinh ít nhiều có độc tính đối với cả người và vật nuôi, do đó nếu dùng kháng sinh không đúng chỉ dẫn hoặc không hiểu biết thì dễ gây choáng phản vệ do kháng sinh. Cụ thể chia ra 4 loại sau:
a, Dị ứng huyết thanh: đây là dị ứng kháng sinh thường gặp. Do sau khi dùng kháng sinh dài ngày mà chẩn đoán sai bệnh, hoặc một số kháng sinh độc tính cao hoặc sự kết hợp kháng sinh mang nhiều độc tính. Ví dụ Streptomycin và sunfamid. Triệu chứng chung là con vật bỏ ăn, ủ rũ, buồn nôn, chân đi loạng choạng do đau khớp, sưng nhiều hạch, sốt cao, mẩn đỏ toàn thân.
b, Biểu hiện ở da: xuất huyết ngoài da, phù mặt, phù mí mắt, xuất huyết thanh quản, viêm da.
c, Khi dùng kháng sinh liều quá cao: sốt cao, run rẩy do rét, kêu rên do đau đầu, vỡ mạch máu, chảy máu mũi, vàng da đau nội tạng. Nếu xét nghiệm máu sẽ thấy bạch cầu tăng cao, hồng cầu giảm.
d, Biểu hiện nhẹ nhất: khò khè, mệt mỏi, thở rít…
- Chú ý kháng sinh không dùng cho heo sơ sinh: Gentamycin, Streptomycon, Kanamycin, Tetracilin, chloramphenicol, Penicilin chậm.
- Không dùng kháng sinh sau cho heo đang mang thai: Gentamycin, Streptomycin, Kanamicin, Spectinomycin, Abramicin, Tobramycin, Neomycin, Tetracylin, Enrofoxaxin, Flumequin, Oxitetracilin, Doxycilin, Norflorxaxin, Chlortetracilin (citifac của CP); Colistin. Đặc biệt là Dexamethason (cấm dùng).
- Một vấn đề nữa là phải đọc kỹ hướng dẫn sử dụng trước khi dùng, vì có thể vật nuôi không bị dị ứng vì kháng sinh mà dị ứng với dung môi (thuốc dẫn) pha cùng kháng sinh. Ví dụ một số dung môi như rượu benzel, Propylen glycon ... rất dễ gây ngộ độc, sốc chết cho thú non.
- Trường hợp khi vật nuôi bị sốc phản vệ do tiêm kháng sinh thì làm thế nào (cách này dùng cả cho vật nuôi bị sốc do vắc xin).
+ Để con vật ở nơi thoáng mát nhưng phải kín gió, tránh làm con vật hoảng sợ, vã khăn lạnh hoặc khăn mát vào mặt thú nuôi.
+ Khẩn trương tiêm các loại thuốc chống sốc, trợ tim, trợ lực… Phổ biến nhất hiện nay thường dùng 2 loại thuốc chống sốc gồm: Vinathazin (của Công ty cổ phần thuốc thú y Trung ương I) hoặc Dimedrol, Adrenalin (của người, không chuyên nghiệp thì không nên dùng).
Ngoài ra còn tiêm thêm Cafein, Vitamin B1, Calci-Mg-B6, tiêm truyền đường Glucoz 5%-30% được nữa thì tốt.
Và để hiểu hơn về cách sử dụng từng loại kháng sinh và phối hợp kháng sinh để điều trị từng bệnh trên vật nuôi mời các bạn theo dõi ở nhưng bài tiếp theo.