TT Phân Phối Thuốc Trang Trại FARMVET : X Kim Anh- H Kim Thành- T Hải Dương- GPKD số: 04F8000473- MST: 0800307128

Tư vấn kỹ thuật : 0977565565 | 8h – 19h00 ( Từ Thứ Hai  đến Thứ Bảy )

 KHÁNG SINH NHÓM AMINOGLYCOSIDE (AMINOSID).

06/03/2020 | BS Thú Y An Nga
                          KHÁNG SINH NHÓM AMINOGLYCOSIDE (AMINOSID).
 
1, Đặc điểm chung.
- Nhóm Aminosid có các kháng sinh điển hình trong thú y sau: Streptomycin; Gentamicin; Kanamycin; Neomycin; Spectinomycin; Apramycin; Tobramycin.
- Kháng sinh có tác động sát khuẩn nhanh (ngoại trừ Specinomycin) và phụ thuộc nồng độ.
- Nhóm Aminosid có pH tối ưu từ 6-8, pH < 3 hay pH > 8 có thể phá hủy thuốc. Nhiệt độ và các tác nhân oxi hóa khử cũng làm hư hỏng các kháng sinh này.
- Hoạt tính kháng khuẩn tăng dần theo thứ tự: Streptomycin, Kanamycin, Gentamicin, Apramycin
Dược động học.
* Hấp thu:
- Tan tốt trong nước và không được hấp thu ở đường tiêu hóa, do đó đường uống chỉ có tác dụng tại chỗ.
- Nồng độ tối đa trong huyết thanh đạt khoảng 30-90 phút sau khi tiêm bắp (I.M), tiêm tĩnh mạch (I.V).
* Phân bố
- Do tính phân cực, không khuếch tán vào trong tế bào chúng chỉ ở dịch ngoại bào.
- Đạt nồng độ trị liệu ở khớp, phổi, dịch phúc mạc. Phân bố thuốc vào màng phổi và dịch khớp thấp, nếu tiếp tục cấp thì nồng độ thuốc trong những nơi này có thể đạt bằng huyết thanh.
- Nồng độ trị liệu có thể đạt được tại xương, tim, bàng quang, phổi khi cấp bằng đường tiêm.
- Thuốc có khuynh hướng tập trung ở thận và tai trong, nên gây độc cho hai cơ quan này.
- Qua được nhau thai và ảnh hưởng đến bào thai.
* Thải trừ:
- Chủ yếu bài thải chậm qua thận ở dạng có hoạt tính. Chỉ có 2-5% được bài thải qua mật.
a, Streptomycin  
- Có phổ kháng khuẩn hẹp, tác động trên vi khuẩn Gram âm (-): (trực khuẩn hiếu khí như Brucella canis, Haemophilus, Salmonella sp., Klebsiella pneumonia), Leptospira spp., Mycobacteria. Tuy nhiên, tác dụng yếu với các vi khuẩn Gram âm (-) trên đường tiêu hóa là: E.coli và Phó thương hàn.
- Ít tác động lên vi khuẩn kị khí do sự thấm phụ thuộc O2 và cần năng lượng.
- Streptomycin không hấp thu qua đường tiêu hóa (vì vậy không dùng đường uống chỉ dùng đường tiêm). Hấp thu nhanh qua mao mạch và thải trừ qua thận sau khi tiêm nồng độ Streptomycin cao nhất trong máu vào giờ thứ 2. Thải trừ nhanh qua thận 50-70% và sau 12 giờ thải trừ hết.
- Tác động của Streptomycin chống Mycobacteria cao nhất so với các kháng sinh khác trong nhóm nhưng kém nhất trong chống các vi khuẩn khác.
Chú ý:
- Streptomycin gây độc cho thận, gây nhược cơ, chỉ tác động lên vi khuẩn lúc khởi phát nghĩa là lúc ban đầu khi vi khuẩn đang sinh sổi nảy nở mạnh trong cơ thể vật nuôi.
- Làm giảm khả năng sản sinh Vitamin K của cơ thể vật nuôi, nên nếu dùng kèm Vitamin K trong phác đồ thì phải tăng liều Vitamin K lên.
* Chỉ định:
- Streptomycin được dùng đơn lẻ trong điều trị bệnh do Leptospira spp (bệnh nghệ, vàng da) cho trâu, bò, cừu, heo. Bệnh do Campylobacter sppActinobacillus trên trâu, bò, ngựa.
- Streptomycin phối hợp với Penicillin để trị những bệnh sau: Tụ huyết trùng, viêm vú, viêm da, đóng dấu lợn…
- Streptomycin phối hợp với Tetracycline điều trị nhiễm trùng do Brucella abortus (gây sảy thai truyền nhiễm).
- Streptomycin ít được dùng cho chó và gia cầm.
- Kháng sinh này không được dùng trên mèo.
b, Gentamicin
- Tác động lên cả vi khuẩn Gram âm (-); Gram dương (+). Có hiệu quả trên ProteusPseudomonas.
*Tác dụng:
- Thuốc khuếch tán nhanh qua đường tiêm, phân bổ vào hầu hết các cơ quan, vào cả thai, tồn tại lâu trong máu, trong thận, tích tụ ở thận và bài thải hầu hết qua nước tiểu (nếu cung cấp đường tiêm).
- Là kháng sinh mạnh và có tác dụng với cả những vi khuẩn đã kháng Streptomycin.
- Dựa vào 2 tính chất trên nên thực tế Gentamicin trị được những vi khuẩn mà Streptomicin đã trị được nhưng Gentamicin còn trị nhanh và hiệu quả hơn bao gồm đặc trị Tụ huyết trùng; tác dụng tốt với Liên cầu khuẩn; Tụ cầu khuẩn.
- Gentamicin thường dùng trị tiêu chảy do E.coliSalmonella spp gây bệnh Phó thương hàn (Phân vàng, phân trắng lợn con) và trên gia cầm. Điều trị tốt Hội chứng Viêm vú (do trực khuẩn mủ xanh, E.coli và 1 số khuẩn khác); Viêm niệu đạo và tử cung.
- Gentamicin được dùng phổ biến hơn trong điều trị viêm tử cung, trị viêm khớp cho ngựa.
- Gentamicin ưu tiên chỉ định trong viêm kết mạc mắt với đường cấp tại chỗ.
- Đối với chó, mèo được dùng khá phổ biến cho kết quả tốt trong điều trị nhiễm trùng đường tiểu, hô hấp, tiêu hóa, da và mô mềm, mắt và tai.
- Nhưng đối với viêm ruột hoại tử do Clostridium thì Gentamicin không có tác dụng.
- Sự phối hợp: Amoxicillin + axit Clavunanic + Gentamicin tạo ra phổ đặc trị rộng và mạnh gần mức tối đa đối với Liên cầu khuẩn; Tụ cầu khuẩn; Tụ huyết trùng; Phó thương hàn; Các nhiễm trùng liên quan tới E.coli và Hội chứng (MMA). Trường hợp bỏ ăn chưa rõ nguyên nhân; Phòng và điều trị (MMA) thì nên chọn sự kết hợp này.
c. Kanamycin
- Kanamycin tác động lên cả vi khuẩn Gram âm (-); Gram dương (+). Có phổ diệt khuẩn mạnh hơn Streptomycin và hẹp hơn Gentamicin. Tuy nhiên, đối với một số khuẩn nhất định thì Kanamycin lại thể hiện tính vượt trội của nó.
* Đặc điểm
- Kanamycin có tính kiềm nên không pha chung với chất có tính axit như Vitamin B6, Vitamin C.
- Đặc biệt: Hấp thu nhanh vào máu, khuếch tán tốt và nhanh vào hốc xương, khớp, đường tiết niệu và sinh dục. Nhưng không hấp thu, hoặc hấp thu kém vào não tủy, qua phúc mạc, dịch mật, tiền liệt tuyến, phổi, phế mạc và gây độc cho thận và tổn thương tai không phục hồi
- Vi khuẩn Ecoli và Phó thương hàn nếu đã kháng Kanamycin thì sẽ kháng chéo với Gentamicin; Neomycin; Streptomycin và các kháng sinh khác cùng nhóm Aminosid.
* Chỉ định
- Sử dụng đường tiêm để điều trị hoặc dự phòng những thể bệnh nghi ngờ sẽ nhiễm trùng huyết do E.coli, Phó thương hàn; Tụ huyết trùng; Viêm da, Viêm khớp cho Tụ cầu khuẩn.
- Không hấp thu qua ruột nhưng tiêu diệt được các vi khuẩn trong ống đường ruột nên sử dụng đường uống để điều trị tiêu chảy gây ra do hại khuẩn E.coli, (phân trắng, phân vàng), Salmonela (Phó thương hàn); KlepsiellaProteus (viêm ruột tiêu chảy).
- Trị bệnh đường tiết niệu sinh dục: Viêm vú; Viêm thận, bàng quang, ống dẫn niệu, viêm tử cung, âm đạo, nhiễm trùng sau khi đẻ ở heo, trâu bò do E.coli, Salmonella, tác dụng mạnh với Tụ cầu khuẩn (viêm da, viêm khớp lợn con); Haemophilus (cúm heo). Đặc biệt trị được các khuẩn đã kháng Penicillin; nhóm Tetracilin; Erythromicin; Oleandomycin
- Không có tác dụng với Liên cầu khuẩn và Clostridium (hại khuẩn cơ hội ở ruột già gây viêm ruột tiêu chảy).
- Kanamycin đạt hiệu lực tối ưu khi kết hợp với Ampicillin để trị Tụ cầu khuẩn, viêm khớp do Tụ cầu khuẩn.
- Kết hợp với Colistin dùng đường uống đạt hiệu lực tối ưu diệt các hại khuẩn khu trú đường tiêu hóa.
- Kanamycin kết hợp với Penicillin hoặc Spectinomycin bơm vào nhũ tuyến trong điều trị viêm vú bò.
d. Neomycin
- Neomycin tác động lên cả vi khuẩn Gram âm (-); Gram dương (+).
Đặc điểm chung:
- Hấp thu kém qua đường uống: do đó thường có các sản phẩm dạng tiêm và bôi ngoài da.
- Neomycin làm giảm hấp thu khi dùng đường uống chung với Penicillin V, thuốc có chứa digitalis, Vitamin K hoặc methotrexate.
- Hấp thu kém qua đường uống nhưng trị được các loại vi khuẩn cư ngụ trong đường tiêu hóa mà nếu dùng đường tiêm thì không tác động đến được. Ví dụ các loại khuẩn cơ hội gây bệnh có trong ruột già như Clostridium.
- Tác dụng diệt khuẩn đường ruột rất mạnh: Dùng kháng sinh nhóm này đường uống đồng nghĩa với việc có thể giết hết các vi khuẩn ở đường ruột bao gồm cả hại khuẩn và lợi khuẩn.
- Neomycin được dùng trong trị liệu tại chỗ như nhiễm trùng đường tiêu hóa, vết thương ở da trâu, bò, dê, cừu lợn, gia cầm; viêm tai ở chó, mèo.
- Neomycin + Colistin: Cặp phối hợp mạnh và nguy hiểm bậc nhất khi dùng để phòng bệnh đường tiêu hóa. Dùng để thụt rửa phòng và trị viêm cho nái rất tốt.
e, Spectinomycin
- Chỉ có tác động kìm khuẩn nhưng có hiệu quả trên vi khuẩn Gram âm (-); Gram dương (+)Mycoplasma spp (trị được CRD-viêm đường hô hấp mãn tính trên gia cầm)
- Kháng sinh này ít độc trên thận nhất.
- Spectinomycin được dùng trong thú y để trị viêm phổi do Actinobaccillus pleuropneumoniae, viêm phổi, viêm khớp do Mycoplasma spp gây ra trên heo, bò, gia cầm; nhiễm trùng đường tiêu hóa, nhiễm trùng huyết do E.coliSalmonella spp, nhiễm trùng đường hô hấp do các vi khuẩn Gram âm (-) gây ra cho trâu, bò, heo, gia cầm. 
f,  Apramycin
-  Apramycin thường dùng đường uống, đôi khi đường tiêm, cho những ca viêm ruột do E.coli, Salmonella spp… ở lợn con.  
g, Đặc biệt:
- Kháng sinh nhóm Aminosid nói chung đều không hoặc chỉ hấp thụ tối đa chừng 3% ở đường uống. Chính vì sự không hấp thu vào máu này mà kháng sinh từ miệng vào như nào thì sẽ đi ra phân với gần như đúng 1 lượng như vậy.
- Nó đi một mạch từ miệng ra hậu môn nên trên đường đi của nó vi khuẩn nào nhạy cảm với Aminosid gây bệnh trong ống đường tiêu hóa là sẽ bị giết sạch.
- Vì vậy: nhóm Aminosid cho uống tác dụng tốt khi heo con tiêu chảy phân vàng, phân trắng.
-  Aminosid là một nhóm kháng sinh cứ trên nồng độ diệt khuẩn tối thiểu là diệt khuẩn và không bao giờ dùng 1 mình theo kinh nghiệm: Đã dùng kháng sinh nhóm này là phải kết hợp với 1 kháng sinh khác để tăng hiệu lực.
2, Độc tính
- Độc tính quan trọng nhất của kháng sinh nhóm Aminoglycoside là độc tính mãn tính do ái lực với tế bào mô thận (Neomycin) và tai trong (Streptomycin).
- Độc tính giảm theo thứ tự: Neomycin > Gentamycin > Kanamycin > Streptomycin > Tobramycin > Spectinomycin.
- Việc sử dụng lâu dài các kháng sinh nhóm này có thể gây ù tai, điếc, suy yếu thận. Độc tính trên thận thường nhẹ và có thể phục hồi trong khi độc tính ở tai thường không hồi phục.
- Độc tính lên thận gây suy thận cấp và độc tính lên tai không hồi phục. Nên không được sử dụng Kháng sinh nhóm này cho Heo nái đang mang thai, cũng không được sử dụng đồng thời 2 kháng sinh nhóm Aminosid này cùng lúc.
- Độc tính ở tai có thể nặng thêm nếu dùng cùng lúc Aminoglycoside với : amphotericin B, acyclovir, bacitracin, ciplastin, methoxyfurane, polymyxin B, vancomyxin, các thuốc lợi tiều, nhất là Furosemide và Ethacrynic acid.
- Để hạn chế độc tính của các kháng sinh nhóm này, không sử dụng chúng trong thời gian dài chỉ dùng điều trị tại chỗ (bôi ngoài da, trị viêm ruột), hoặc phối hợp với các kháng sinh khác.
- Các triệu chứng của độc tính cấp tính như buồn nôn, ói mửa, hôn mê có thể được khắc phục khi tiêm thuốc kháng histamine. 
4. Phối hợp kháng sinh
- Phối hợp tốt với Beta – lactam. Tuy nhiên không nên trộn chung với nhau trong cùng một dung dịch tiêm.
- Nhóm này hiệp lực với hầu hết các kháng sinh sát khuẩn khác như Quinolone (Gentamicin + Flumequin), Polypeptide (Neomycin + Colistin).
- Đặc biệt sự phối hợp Spectinomycin : Lincomycin (2:1) cho kết quả tốt khi điều trị viêm đường hô hấp trên gia cầm do Mycoplasma spp gây ra (CRD).
- Spectinomycin đối kháng với chloramphenicol và tetracycline.
Bài viết tiếp theo chúng ta sẽ tìm hiểu về nhóm Polypeptide mời bạn đọc theo dõi.
 
Thong ke

Gửi tin nhắn qua Zalo