TT Phân Phối Thuốc Trang Trại FARMVET : X Kim Anh- H Kim Thành- T Hải Dương- GPKD số: 04F8000473- MST: 0800307128

Tư vấn kỹ thuật : 0977565565 | 8h – 19h00 ( Từ Thứ Hai  đến Thứ Bảy )

BỆNH VIÊM DẠ DÀY RUỘT TRUYỀN NHIỄM (T.G.E)

26/11/2019 | Nguyễn Hằng
T.G.E là bệnh truyền nhiễm mạnh do virut gây ra ở lợn con với những triệu chứng lâm sàng chính: Ỉa chảy dữ dội, mất nước trầm trọng, thường kèm theo nôn mửa và tỷ lệ chết cao ở lợn con mới sinh.

 

1. Nguyên nhân
Căn nguyên gây bệnh T.G.E là do virut Corona ARN, hình tròn, mẫn cảm với ether. Virut có đường kính khoảng 135nm và không bị bô hoạt bởi pH = 3,0, ít mẫn cảm với natri desoxychlorate mà hoàn toàn bền vững với trypsin. Nhưng virut mẫn cảm với nhiệt, ở 50°C vẫn tồn tại được 45 phút. Virut mẫn cảm với ánh sáng, nhưng cực kỳ bền vững trong thịt ướp đông.
Virut truyền vào cơ thể lợn cảm nhiễm qua đường hô hấp và tiêu hóa. Virut nhân lên ở phổi, các hạch lympho, nhưng chủ yếu ở các tế bào đường tiêu hóa, đặc biệt ở tá tràng, hồi tràng. Tại đây, virut gây tồn thương và phá hủy tế bào niêm mạc ruột non, do đó dẫn đến ỉa chảy mất nước dữ dội và hạ đường huyết nhanh chóng. Sự bội nhiễm E.coli và Clostridium perfringens có thể gây tổn thương và triệu chứng lâm sàng nặng hơn gây chết hàng loạt.
Ổ dịch có thể kéo dài 3-4 tuần. Sau khi khỏi lâm sàng, lợn vẫn thải một lượng lớn virut qua phân ra môi trường, thậm chí đến 10 tuần sau. Do vậy, lợn mang virut là nguồn lây lan, phân tán bệnh.
Kháng thể IgA đặc hiệu từ sữa đầu phòng được cho lợn con không mắc bệnh. Lợn bệnh sống sót có thể có kháng thể sau 7-8 ngày và kéo dài 6 tháng.
2. Triệu chứng lâm sàng
Lợn con ở các lứa tuổi ỉa chảy nặng nề, có khi kéo dài vài ngày. Phân toàn nước và có màu vàng, xanh nhạt, đôi khi có mùi hôi và chứa những cục sữa chưa tiêu. 

Lợn con dưới 3 tuần tuổi thường kèm nôn mửa.
Lợn con mất nước nghiêm trọng và chết do trụy tim trong vòng 24-48 giờ.
Thời gian nung bệnh rất ngắn. chỉ 1-2 ngày. Tỷ lệ chết phụ thuộc và tuổi lợn bệnh:
- Từ 0-7 ngày tuổi có khi đến 100%.
- Từ 8-14 ngày khoảng 50%.
- Từ 15-21 ngày khoảng 25%.
- Lợn lớn thường hồi phục và khỏi bệnh sau 7-10 ngày.
3. Bệnh tích
Lợn chết nhanh do mất nước nhiêm trọng.
Trong dạ dày chứa các cục sữa chưa tiêu, trong ruột non chứa đầy dịch màu vàng lẫn bọt và thành ruột mỏng.
Viêm dạ dày và viêm ruột nặng nề, nhất là ở ruột non, khoảng 10 cm đầu tá tràng.
Hạch lympho màng ruột sưng, ruột non bị thoái hóa từng mảng niêm mạc, nhất là đầu tá tràng.

4. Chẩn đoán
Dựa trên tính dịch tễ của ổ dịch và triệu chứng lâm sàng như: Ỉa chảy dữ dội tràn lan khắp đàn, tỷ lệ lợn ốm cao, lợn càng nhỏ thì tiến triển bệnh càng trầm trọng, chết phần lớn là lợn sơ sinh.
Dựa vào bệnh tích đại thể như viêm dạ dày, viêm và thoái hóa ruột non và chứa những cục sữa chưa tiêu...
Chẩn đoán bằng phương pháp ELISA, phản ứng trung hòa huyết thanh hay kết hợp bổ thể.
Phân lập virut từ các hạch Lympho, tuyến Amidan, ruột non.
5. Phòng và trị bệnh
Bệnh không có thuốc đặc trị, chỉ hỗ trợ khi lợn bị nhiễm bằng cách tăng sức đề kháng, giữ vệ sinh chuồng trại, giữ ấm cho lợn con, tạo môi trường khô ráo ấm áp nhằm giảm các bệnh kế phát.
Cấp kháng sinh toàn thân qua đường tiêm hoặc đường miệng bằng cách trộn thức ăn hoặc pha nước uống để làm giảm nhiễm trùng thứ phát. Cung cấp vitamin và chất điện giải.
Ngay khi nghi ngờ có bệnh, phải lập tức cách ly những nhà đẻ chưa bị nhiễm bệnh. Điều này đặc biệt quan trọng ở lợn con dưới 14 ngày tuổi. Hạn chế được thời gian lây lan của bệnh càng lâu càng tốt để giảm tỷ lệ tử vong. Nếu có thể, hãy di chuyển lợn nái 3 tuần trước đẻ đến một khu đẻ sạch bệnh trước khi chúng bị nhiễm.
Điều cần thiết là phải phát triển khả năng miễn dịch trong các con lợn nái càng sớm càng tốt bằng cách:
5.1 Phòng bệnh bằng autovaccine
- Cho nái ăn ruột/ phân heo con bệnh (tiêu chảy trong vòng 24-36 giờ)
- Một bộ ruột/ 5-7 heo nái, xay/ bằm và trộn với 200 ml nước muối sinh lý, nước đun sôi để nguội, sữa (trộn kháng sinh phòng phụ nhiễm)
- Số lần ăn tùy thuộc vào sự biểu hiện tiêu chảy của nái được ăn
- Áp dụng cho nái mang thai trước khi sinh 2-4 tuần
Lưu ý: Một số bất lợi khi làm autovaccine
- Tạo miễn dịch chủ động trên đàn heo nái mang thai và hậu bị nhưng ở tình trạng bị động.
- Có thể dẫn đến tình trạng bệnh ở trại xảy ra và lây lan nhanh hơn.
- Nếu không quản lý và kiểm soát tốt sẽ phát tán bệnh ở trong trại nhiều hơn.
- Có thể khó kiểm soát nguồn bệnh, gây thiệt hại và chi phí cao.
- Hạn chế công tác nhập đàn heo mới vào trại.
5.2 Tiêm chủng
Mục tiêu là để duy trì khả năng miễn dịch trong sữa đầu. Điều này chỉ có thể được thực hiện bằng cách kích thích đường ruột của lợn nái để sản xuất kháng thể trong sữa. Do kháng nguyên virus TGE xâm nhập qua đường ruột của nái và kích thích sản xuất kháng thể truyền qua sữa. Vì vậy, tiêm bắp vacxin TGE cho phản ứng rất kém. Ngoài vacxin thương mại, trại có thể thực hiện quy trình autovacxin như đã trình bày ở trên.

(Tài liệu tham khảo: Một số bệnh quan trọng trên lợn - Nhà xuất bản Khoa học và Kỹ thuật)

Thong ke

Gửi tin nhắn qua Zalo