TT Phân Phối Thuốc Trang Trại FARMVET : X Kim Anh- H Kim Thành- T Hải Dương- GPKD số: 04F8000473- MST: 0800307128

Tư vấn kỹ thuật : 0977565565 | 8h – 19h00 ( Từ Thứ Hai  đến Thứ Bảy )

BỆNH GIẢ DẠI

25/11/2019 | Nguyễn Hằng
Bệnh giả dại là một bệnh truyền nhiễm lây lan mạnh, do Herpesvirut gây lên trên lợn, với những triệu chứng thần kinh và hô hấp đặc trưng, nhiệt độ cơ thể cao và thường tỷ lệ chết ở lợn con (dưới 3 tuần tuổi) rất cao. Ở lợn lớn, bệnh ở thể ẩn. Lợn chửa bị sẩy thai, đẻ non.

1. Nguyên nhân
Virut Aujeszky có đường kính 150-180 nm và chứa 1 nhân ADN với đường kính 75 nm. Người ta chỉ ghi nhận được 1 thể kháng nguyên của Virut Aujeszky.
Virut Aujeszky bị vô hoạt bởi ether, tia tử ngoại, nhiệt độ (30 phút ở 57°C). Nó bền vững với pH từ 6-11 ở nhiệt độ 23°C. Nồng độ thấp của các chất sát trùng như: Dung dịch Lysol 2%, Han-Iodine 5%, HCL 5% hay formon có thể diệt được virut nhanh chóng.
Virut Aujeszky xâm nhập vào cơ thể qua niêm mạc đường hô hấp trên và số lượng virut được nhân lên từ đây sau đó xâm nhiễm vào hệ thần kinh trung ương, máu, phổi, đường sinh dục...
Virut phá hủy tế bào thần kinh, đặc biệt là thần kinh trung ương. Các tổ chức tế bào của các cơ quan khác như gan, thận, hệ thống hô hấp cũng bị virut làm biến đổi bệnh lý và gây rối loạn chức năng.
Ở điều kiện bình thường, bệnh có thể lây từ lợn bệnh sang các loại gia súc khác như: trâu, bò, mèo, chó, thỏ. Ở nước ta, bệnh được phát hiện năm 1985, biểu hiện chính là các triệu chứng thần kinh và sảy thai.
2. Triệu chứng lâm sàng
Triệu chứng lâm sàng biểu hiện khác nhau và phụ thuộc liều nhiễm và tuổi lợn.
Lợn con từ 0-4 tuần tuổi bị nặng nhất. Tỷ lệ lợn ốm và chết có khi đến 100% ở lợn sơ sinh và giảm xuống 40-60% ở lợn 4 tuần tuổi. 
Lợn 1-5 tháng tuổi, bệnh tiến triển nhẹ và tỷ lệ chết dưới 15%, còn ở lợn lớn chỉ biểu hiện vài triệu chứng lâm sàng nhẹ.
2.1 Lợn con từ sơ sinh đến 4 tuần tuổi.
Thời gian nung bệnh khoảng 3-7 ngày. 
Ban đầu, lợn bệnh nôn mửa, ỉa chảy, chậm chạp, ho chảy nước mũi. Sau đó xuất hiện các triệu chứng run rẩy, đi lại loạng choạng không vững và thường đi vòng tròn, đôi khi có tư thế ngồi như chó ngồi, những cơn co giật đầu ngoẹo đầu lại đằng sau, sau đó lợn con suy sụp và chết trong khoảng 12 giờ. 
Nhiệt độ cơ thể khoảng 41,5°C.
Heo con theo mẹ có biểu hiện thần kinh, khó thở, sùi bọt mép

2.2 Lợn con từ 4 tuần đến 12 tháng tuổi
Thời gian ủ bệnh kéo dài 5-7 ngày với nhiệt độ cơ thể tăng 40,6-41°C và kéo dài 4-8 ngày.
Lợn nằm bệt một chỗ, đôi lúc nôn mửa. Khoảng ngày thứ 4 thì xuất hiện các triệu chứng thần kinh như run rẩy, đi loạng choạng, đi vòng tròn, đâm đầu vào tường, 
Những cơn co giật ở các cơ khác nhau kéo dài khoảng 45 giây. 
Triệu chứng thần kinh dẫn đến con vật suy sụp rồi chết. Nhiều trường hợp kéo dài 10-14 ngày.

2.3 Lợn lớn
Có khi không biểu hiện các triệu chứng như kể trên mà chỉ nằm bẹp một chỗ, thân nhiệt tăng kèm theo ho, chảy nước dãi và các triệu chứng ở đường hô hấp phía trên, nằm bẹp, không đứng dậy được.
Lợn chửa có thể bị sảy thai hoặc thai chết lưu.
3. Bệnh tích
Khi mổ khám thấy những vết lấm chấm đỏ trên da.
Suốt hệ thống hô hấp bị sung huyết, đặc biệt ở ngã ba hầu.
Phổi phù nề, vỏ thận xuất huyết kèm những nốt hoại tử.
1/3 dạ dày dưới bị viêm, xuất huyết.
Các mạch máu ở não thường căng và chứa đầy máu không đông, màng não xuất huyết.
Não xuất huyết

4. Chẩn đoán
Dựa vào những triệu chưng lâm sàng kể trên để chuẩn đoán.
Chẩn đoán bằng phản ứng trung hòa virut, phương pháp ELISA, hay phản ứng khuêch tán trong thạch...
Ngoài ra, nếu để kết luận chính xác hơn, tiêm dưới da cho thỏ 1-2 ml dung dịch não từ lợn bệnh nghi giả dại nghiền với nước sinh lý 0,9%. Nếu sau 48-72 giờ, thỏ bị ngứa, cắn gãi làm trượt da lông nơi tiêm và thỏ thường chết sau đó 24-36 giờ là đúng bệnh giả dại.
Ta cũng cần phân biệt với bệnh dại để có phương pháp phòng trị kịp thời, phù hợp. 
5. Phòng và trị bệnh
Biện pháp phòng tốt nhất là tiêm vacxin cho đàn lợn:
- Tiêm vacxin 2 lần mỗi năm. Miễn dịch kéo dài 6 tháng.
- Tiêm vacxin cho lợn mẹ sẽ cho kháng thể thụ động bảo hộ cho lợn con 2 tuần sau khi sinh. 
- Tiêm vacxin cho lợn con ngay từ những ngày đầu mới sinh.

Khi lợn đã bị bệnh dùng kháng sinh phổ rộng để phòng các loại vi khuẩn kế phát:
- HAN CLAMOX  1ml/10kg thể trọng, 1 ngày tiêm 1 mũi.
- STEPEN LA        1ml/10kg thể trọng, 2 ngày tiêm 1 mũi.
- LINCO - GEN     1ml/10kg thể trọng, 1 ngày tiêm 1 mũi.
Trong quá trình điều trị dùng các thuốc trợ lực, hạ sốt như: NANOMIN, GLUCO K-C BAMIN...
(Tài liệu tham khảo: Một số bệnh quan trọng trên lợn - Nhà xuất bản Khoa học và Kỹ thuật)
Thong ke

Gửi tin nhắn qua Zalo