TT Phân Phối Thuốc Trang Trại FARMVET : X Kim Anh- H Kim Thành- T Hải Dương- GPKD số: 04F8000473- MST: 0800307128

Tư vấn kỹ thuật : 0977565565 | 8h – 19h00 ( Từ Thứ Hai  đến Thứ Bảy )

KHÁNG SINH NHÓM QUINOLON

09/04/2020 | BS Thú Y An Nga
NHÓM QUINOLON
 
- Đây là 1 nhóm kháng sinh có nguồn gốc hoàn toàn từ nhân tạo.
- Nhóm Quinolon cũng chia làm các thế hệ. Các kháng sinh đại diện trong thú y: Flumequin; Norfloxacin; Enrofloxacin; Marbofloxacin; Difloxacin; Danofloxacin.
- Những kháng sinh trên sẽ ở những thế hệ Quinolon khác nhau; và có dược động học cũng khác nhau.
- Các Quinolon có tính lưỡng tính, tan yếu trong nước ở Ph 6-8.
- Hoạt tính của Quinolon giảm khi tiếp xúc ánh sáng.
- Hấp thu: Quinolon hấp thu tốt qua đường tiêu hóa (1-3 giờ). Thức ăn trong dạ dày có thể làm chậm hấp thu nhưng không ảnh hưởng nồng độ tối đa đạt được trong huyết thanh trừ khi thức ăn có chứa nhiều Mg2+, Al3+.
- Phân bố: phân bố đồng đều trong dịch nội và ngoại bào, phân bố hầu hết các cơ quan: phổi, gan, mật, xương, tuyến tiền liệt, tử cung, dịch não tủy, dịch tai, mũi, họng… Hầu hết các Quinolon qua được hàng rào nhau thai. Nồng độ thuốc trong khí quản và tuyến tiền liệt có thể cao gấp 2-3 lần nồng độ trong huyết thanh.
- Bài thải: các Quinolon bài thải chủ yếu qua đường tiết niệu với nồng độ dược phẩm còn hoạt tính cao hơn cả trong huyết thanh, do đó chúng được chỉ định trong nhiễm khuẩn đường tiết niệu. Các Quinolon được tái hấp thu thụ động ở thận. Đối với thú ăn thịt, pH acid của nước tiểu có tác dụng làm chậm sự bài thải dễ dẫn đến tình trạng kết tủa tạo tinh thể. Đối với thú ăn cỏ, pH kiềm của nước tiểu giúp các Quinolon bài thải nhanh hơn.
- Do thời gian bán thải dài nên thích hợp cho nhịp cấp thước trong khoảng 12 - 24 giờ.
- Quinolone thuộc nhóm kháng sinh diệt khuẩn phụ thuộc nồng độ. Có tác động diệt khuẩn với phổ kháng khuẩn thay đổi tùy các thế hệ kháng sinh trong nhóm. Hầu hết không tác động đến các vi khuẩn kị khí.
- Quinolon diệt vi khuẩn bằng cách tác động vào vật chất di truyền của Vi khuẩn (đầu não của vi khuẩn), bởi vậy Vi khuẩn rất khó chống lại được Quinolon (khó đề kháng thuốc). Đó là lý do Quinolon mạnh.
- Tuy nhiên các vi khuẩn bị ép tiến hóa nên sẽ tự tạo ra cơ chế mới để đề kháng Quinolon. Đây là nguyên nhân mà thế giới đã bắt đầu cấm sử dụng nhóm Quinolon trong chăn nuôi. Và người ta khuyến cáo chỉ sử dụng Quinolon; Colistin; Vancomycin …. trong những trường hợp cuối cùng.
- Quinolon tác động phụ có hại vào quá trình phát triển xương khớp của vật nuôi. Cộng với việc tác động vào Gen di truyền nên Quinolon được khuyến cáo không được sử dụng cho gia súc non hoặc đang mang thai. Vì làm cho xương khớp thú non không phát triển được hoặc là vật nuôi sinh con quái thai do làm sai lệch Gen di truyền.
- Tuy nhiên trong một số trường hợp ở heo con, vì tính cấp bách của bệnh mà vẫn phải dùng thuốc này. Nhưng phải thực sự cân nhắc kỹ.
 
1. Quinolon thế hệ thứ nhất - Flumequin
- Flumequin chỉ có tác dụng với các khuẩn Gram âm (-) như: Ecoli, Phó thương hàn, Tụ huyết trùng, và một số bệnh gây tiêu chảy ở đường tiêu hóa do các khuẩn Gram âm (-) không điển hình khác.
- Flumequin là kháng sinh yếu hơn các kháng sinh Quinolon khác nhưng so với các nhóm khác thì mạnh hơn. Flumequin có thể trị được các dòng E.coli, Phó thương hàn (Salmonella) đã kháng Amoxicillin, Ampicillin, hay kháng cả Gentamicin.
- Không có tác dụng với Mycoplasma (suyễn lợn) Tụ cầu khuẩn (Staphylococus); Viêm phổi APP.
- Trực khuẩn mủ xanh gây Viêm ruột tiêu chảy heo và Streptococcus (Liên cầu khuẩn) đề kháng tự nhiên với thuốc.
* Chỉ định:
- Trong thú y: Flumequin tiêm ở dạng thuốc sữa, có thời gian đào thải khỏi cơ thể khá nhanh. Đặc trị tiêu chảy do E.coli; Phó thương hàn, Tụ huyết trùng, cúm heo, tiêu chảy do Proteus rất tốt.
 
2. Quinolon thế hệ thứ hai - Norfloxacin
- Phổ kháng khuẩn mở rộng hơn và mạnh hơn Flumequin tới hàng chục lần.
- Norfloxacin là chất lưỡng tính vừa tan tốt trong acid vừa tan trong môi trường kiềm.
- Hấp thu tốt cả ở đường uống và đường tiêm, nồng độ thuốc đạt đỉnh trong máu chậm nhất sau 1,5 giờ. Thuốc thâm nhập tốt vào các mô và tổ chức trong cơ thể. Trong dịch não tủy phân tán kém nhưng trong phổi các các dịch xoang nồng độ thuốc là cao nhất.
- Thuốc phân hủy tại gan, thải trừ tại thận. Tại thận nồng độ thuốc vẫn ở dạng có dược động học và nồng độ cao hơn nồng độ trong máu và ngang với nồng độ trong phổi - đây là cơ chế bài thải điển hình của thuốc nhóm Quinolon - Cơ chế thải trừ gan mật ruột non.
- Ở cơ chế này, thuốc sẽ gây tác dụng rồi được thải trừ nhưng trong quá trình thải trừ lại được hấp thu lại rồi lại có tác dụng. Vậy nên thuốc tồn tại lâu trong cơ thể. Đây là một lợi thế điều trị vì thế ta thường thấy một số thuốc nhóm Quinolon luôn khuyến cáo các mũi tiêm có hiệu lực dài hơn bình thường.
- Norfloxacin là một kháng sinh có dược tính mạnh hơn Flumequin và an toàn hơn, ít gây tác dụng phụ hoặc sốc phản vệ cho vật nuôi.
* Chỉ định:
- Norfloxacin đạt nồng độ đặc biệt cao trong nước tiểu nên được dùng để trị nhiễm trùng đường tiết niệu.
- Tác dụng mạnh hơn nhưng vi khuẩn mà Flumequin có tác dụng đó là đặc trị E.coli; Tụ huyết trùng; Phó thương hàn.
- Mở rộng điều trị tốt thêm những bệnh: Bệnh Hô hấp phức hợp APP, Leptospira…
- Hấp thu nhanh, thải trừ chậm và không gây sốc hay choáng phản vệ. Tuy nhiên về cơ chế tác động vào Gen tế bào nên khuyến cáo không dùng cho thú mang thai, gia súc non vẫn có thể dùng được trong trường hợp cấp bách.
- Với Liên cầu khuẩn, Tụ cầu khuẩn là những khuẩn Gram dương (+)  mặc dù Norfloxacin có thể tác dụng đến nhưng không hiệu quả. Bởi vì mối quan hệ giữa Flumequin và Norfloxacin đó là: nếu 1 khuẩn nào đó mà đã đề kháng hoặc không bị tiêu diệt bởi Flumequin thì Norfloxacin cũng không có nhiều tác dụng.
 
3. Quinolon thế hệ thứ ba – Enrofloxacin.
* Tính chất:
- Enrofloxacin hấp thụ nhanh qua đường tiêm và đường uống. Đường uống hấp thu hoàn toàn ở ruột. Cả tiêm hay uống cũng đều nhanh chóng đạt nồng độ tối đa trong máu sau từ 1-2 giờ. Nồng độ thuốc trong các tổ chức của cơ thể vật nuôi còn cao hơn cả ở trong máu.
- Thuốc thâm nhập tốt vào phổi, dịch não tủy, tế bào da, tuyến tiền liệt.
- Tồn tại có hiệu lực rất lâu trong cơ thể thường là từ 24 giờ trở lên tùy từng chế phẩm có thể tồn tại lâu hơn.
- Thuốc phân hủy ở gan, sau phân hủy vẫn còn hoạt tính kháng khuẩn. Thải trừ qua nước tiểu do đó diệt khuẩn tốt ở đường tiết niệu.
- Phổ kháng khuẩn: Enrofloxacin mạnh hơn Flumequin tới ba chục lần và mạnh hơn cả Norfloxacin tới chục lần trong việc trị khuẩn E.coli. Đối với các khuẩn Gram âm (-) khác thì trung bình cũng mạnh hơn tới hàng chục lần.
- Phổ tác dụng lan rộng sang cả phía Gram dương (+): Tụ cầu khuẩn (Staphylococus) gây viêm da; kể cả loài Tụ cầu khuẩn đã kháng Nhóm Beta-lactame (kháng Amoxicillin, Ampicillin, Penicillin).
- Vi khuẩn nào đã kháng Flumequin, Norfloxacin thì có thể bị diệt bởi Enrofloxacin, nhưng nếu khuẩn nào mà Enrofloxacin không trị được thì Flumequin và Norfloxacin là vô dụng.
- Sự kháng thuốc đối với Enrofloxacin chậm hơn nhóm Beta-lactame, tức là không nhiều vi khuẩn kháng được Enrofloxacin nhưng nếu cứ dùng Enrofloxacin thường xuyên với liều thấp thì nó sẽ phát sinh cơ thế kháng Enrofloxacin.
* Chỉ định:
- Trị tốt tụ cầu khuẩn gây viêm da.
- Trị được các khuẩn Gram âm (-) điển hình gây bệnh như E,coli (rất tốt), Tụ huyết trùng, Phó thương hàn; Glasser và cúm heo. Do phân bố tốt đến phổi và nhạy cảm với những khuẩn trên.
- Enrofloxacin trị khá tốt các bệnh liên quan tới viêm nhiễm đường tiết niệu sinh dục, hội chứng MMA, đặc biệt tốt nếu nhiễm khuẩn do E.coli phù đầu sưng mặt, phân trắng, phân vàng ở heo con. Các bệnh tiêu chảy do Phó thương hàn, Tụ huyết trùng và một số khuẩn gây bệnh đường ruột tiêu chảy khác.
- Enrofloxacin có hiệu quả trong điều trị viêm bàng quang do E.coli, Staphylococus spp…, hoặc nhiễm trùng tuyến tiền liệt ở chó mèo
- Lý thuyết thì có thể phối hợp với Colistin, Amoxicillin nhưng hiệu quả thực tế ít khi cho hiệu quả tốt hơn là đơn độc. Nên sự phối hợp Enrofloxacin với 1 kháng sinh khác là không cần thiết
- Enrofloxacin đạt nồng độ trong phổi thậm chí cao hơn trong huyết thanh nên có thể điều trị viêm đường hô hấp ở chó mèo, lợn, gia cầm do Pasteurella haemolytica, Haemophilus spp,…
- Mặc dù phân bố tốt đến phổi và trị Gram âm (-) tốt nhưng Enrofloxacin không nhạy cảm với Viêm phổi dính sườn do Actinobaccillus Pleuropneumonia. Và không có tác dụng đối với Mycoplasma gây bệnh suyễn heo.
 
4. Marbofloxacin – Danofloxacin và Diflorxacin
- Cơ chế diệt khuẩn và tính chất mang đặc điểm chung của nhóm Quinolon.
a, Marbofloxacin
- Marbofloxacin mạnh hơn Enrofloxacin ở 1 điểm duy nhất là nó có tác dụng tới khuẩn Gram dương (+) Streptococcus, còn Enrofloxacin thì không.
- Từ đó Marbofloxacin mở rộng phổ kháng khuẩn về cả hai phía Gram âm (-) và Gram dương (+). Nhưng không lấy Marbofloxacin để trị các bệnh do khuẩn Gram dương (+)  như Liên cầu khuẩn hay Tụ cầu khuẩn.
- Để trị các khuẩn Gram dương (+) lựa chọn đầu tay phải là nhóm Beta-lactame. Chỉ khi nghi ngờ nhóm Beta-lactam bị nhờn thì sẽ sử dụng tới Marbofloxacin. Do đó Marbofloxacin nếu dùng để trị bệnh thì vẫn chỉ trị những bệnh tương tự của Enrofloxacin mà thôi.
* Chỉ định
- Trong trường hợp cần di chuyển con vật đi xa, mua bán nọc, nái thì người ta sẽ tiêm cho vật nuôi Marbofloxacin để dự phòng vì phổ của nó rộng, mạnh và thời gian bán thải lâu. Nhờ vậy vật nuôi có thể an toàn qua quá trình vận chuyển.
b, Danofloxacin
- Tương tự như Enrofloxacin nhưng có thiên hướng tốt hơn khi điều trị những bệnh về phổi, nhạy cảm với APP. Do đó, trong trường hợp heo bị APP thì có thể cân nhắc sử dụng Danofloxacin, tùy vùng có thể cho hiệu quả rất tốt.
c, Difloxacin
- Công dụng và hướng dẫn sử dụng giống ngang hàng Norfloxacin.
 
5. Độc tính.
- Quinolon là nhóm có độc tính thấp.
- Tuy nhiên có thể gây rối loạn phát triển xương, sụn do hoạt tính bắt giữ các kim loại. Độc tính này gặp phổ biến nhất khi dùng cho giống chó Beagle.
- Kháng sinh này không nên sử dụng cho thú đang tăng trưởng.
- Sử dụng cho chó có thể gặp hội chứng shock do độc tố và hoại tử gây bởi streptococcus canis.
- Dùng liều cao kháng sinh nhóm này có nguy cơ gây sảy thai và ngộ độc cho con mẹ.
 
6. Phối hợp kháng sinh
- Quinolon hiệp lực với Beta – lactam, Aminoglycoside, clindamycin, Metronidazole (trị nhiễm trùng do vi khuẩn kị khí).
 
Bài viết tiếp theo chúng ta sẽ tìm hiểu về Nhóm Phenicol mời bạn đọc theo dõi. 
 
Thong ke

Gửi tin nhắn qua Zalo