TT Phân Phối Thuốc Trang Trại FARMVET : X Kim Anh- H Kim Thành- T Hải Dương- GPKD số: 04F8000473- MST: 0800307128

Tư vấn kỹ thuật : 0977565565 | 8h – 19h00 ( Từ Thứ Hai  đến Thứ Bảy )

KHÁNG SINH MACROLIDE

09/04/2020 | BS Thú Y An Nga
KHÁNG SINH MACROLIDE
 
- Đại diện trong thú y có các kháng sinh: Erythromycin, Spiramysin, Tylosin, Tilmicosin, Azithromycin, Tulathromycin.
- Macrolide và Lincosamide có nhiều điểm chung giống nhau. Chúng tan nhiều trong lipid, hấp thu tốt từ đường tiêu hóa, phân bố rộng khắp đến nhiều cơ quan trong cơ thể, bài thải qua gan hơn là qua thận, có khả năng đi qua các hàng rào của tế bào và một số đặc tính dược động khác.
- Có tác động chủ yếu ức chế vi khuẩn Gram dương (+) và Mycoplasma, có tác động từ vừa tới mạnh đối với vi khuẩn kị khí.
- Đặc biệt được sử dụng trong điều trị nhiễm trùng đường hô hấp trên và nhiễm trùng do vi khuẩn nội bào.
 - Đối với các vi khuẩn đã kháng Penicillin, Tetracyclin thì Macrolide là nhóm kháng sinh được lựa chọn để thay thế.
* Lý hóa tính:
- Các Macrolide khá bền, kém tan trong nước, nhưng tan tốt trong dung môi hữu cơ.
- Có pH tối ưu = 7,8-8. pH < 4 hay pH > 10 sẽ gây hư hỏng thuốc.
* Dược động học
- Các Macrolides mới thường hấp thu tốt hơn và không bị ảnh hưởng bởi thức ăn trong dạ dày.
- Phân bố ở dịch nội bào. Khuếch tán vào khắp các mô nhất là phổi, màng phổi, xương, gan, mật, tuyến sữa, nhau thai trừ dịch não tủy (không đủ nồng độ trị liệu).
- Macrolide bài thải chủ yếu qua mật (60%) dưới dạng còn hoạt tính (nồng độ trong mật gấp 5 lần trong huyết tương) và thường đi qua chu trình gan ruột.
- Bài thải qua sữa ở nồng độ thậm chí còn cao hơn trong huyết tương nhất là khi nhũ tuyến bị viêm.
- Một số bài thải trong nước bọt dạng còn hoạt tính.
* Phổ kháng khuẩn.
- Thuốc gắn vào tiểu phần 50S của ribosom vi khuẩn, nó sẽ làm cản trở tạo chuỗi đa peptid (ức chế tổng hợp protein vi khuẩn).
- Các Macrolide có tác động kìm khuẩn ở liều điều trị. Có thể có tính diệt khuẩn ở liều cao hơn.
- Phổ kháng khuẩn trung bình, hơi rộng hơn Penicillin.
- Phổ kháng khuẩn chủ yếu trên vi khuẩn Gram dương (+) (Staphylococcus spp., Streptococcus spp., Corynebacterium spp., Clostridium spp., Listeria spp., Bacilus spp., Erysipelothrix rhusiopathiae (đóng dấu lợn), một vài vi khuẩn Gram âm (-) (Actinobacillus spp., Brucella spp.,  Campylobacter spp.)
* Chỉ định:
- Các Macrolide được ưu tiên chỉ định các bệnh đường hô hấp (CRD - hô hấp mãn tính, PPLO – viêm phổi màng phổi ở gia cầm; suyễn heo, viêm phổi bê nghé.
- Các bệnh tiêu chảy hồng lị ở heo do Treponema dysenteriae.
 
1. Erythromycin
* Hấp thu và bài thải:
- Uống: sau 2-6 giờ đạt nồng độ cao trong máu. Thức ăn ở đường tiêu hóa cản trở sự hấp thu thuốc.
- Tiêm: thuốc hấp thu toàn bộ, dễ thấm vào tổ chức, 90% gắn vào Protein huyết tương.
- Thuốc không thấm qua màng não nhưng với màng nhau, màng phổi, phúc mạc thuốc ngấm qua dễ dàng. Thuốc thấm được vào ổ mủ, dịch màng phổi, dịch cổ chướng.
- Thuốc được thải chủ yếu qua thận dưới dạng chuyển hóa, có nồng độ cao trong nước tiểu. Thuốc có t1/2 sẽ tăng lên khi bị viêm thận hay vô niệu. Ngoài ra, thuốc còn thải qua mật và phân.
* Phổ kháng khuẩn:
- Có tác dụng tốt với vi khuẩn Gram dương (+): tụ cầu khuẩn, liên cầu khuẩn, trực khuẩn nhiệt thán, Actinomyces yếm khí, Cl.teani, nhất là các vi khuẩn đã kháng lại với Pennicillin. Với vi khuẩn Gram âm (-) cũng có tác dụng như: Pasteurella, Brucella, Salmonella, E.coli, Leptospilosus.
- Erythromycin hầu như không có tác dụng trên vi khuẩn Gram âm (-) ưa khí.
- Rhodococcus equi nhạy cảm với Erythromycin nhất.
- Thuốc không có tác dụng với Virus, nấm mốc, nấm men.
- Đã có 50% số chủng Staphylococcus kháng lại thuốc. Có kháng chéo giữa các Macrolid với Lincosamid nhưng không kháng chéo với kháng sinh khác.
* Chỉ định: được dùng trong các bệnh:
- Các bệnh đường hô hấp của động vật có vú: viêm phổi, viêm phế quản, viêm màng phổi…
- Các bệnh đường tiết niệu sinh dục của động vật có vú: viêm âm đạo, viêm tử cung, viêm niệu đạo…
- Bệnh nhiệt thán các loài gia súc.
- Bệnh lưu sản do Brucella.
- Bệnh do Trichomonas: viêm âm đạo, viêm tử cung do roi trùng.
- Bệnh do tụ cầu khuẩn và liên cầu khuẩn.
- Bệnh hô hấp mãn tính ở gà (CRD).
- Bệnh do Actinomyces và Welchia perfringens.
- Erythromycin trị viêm vú do lợi điểm bài thải nhanh, ít gây tồn dư trong sữa (ngưng thuốc 36 giờ)
- Các bệnh đóng đấu lợn, nhiễm trùng da, tai, mũi họng.
- Erythromycin chỉ định trong phòng trị tiêu chảy, sẩy thai do Campylobacter jejuni ở chó, mèo.
- Erythromycin dùng đường uống phòng trị nhiễm trùng do Staphylococcus spp., Streptococcus spp trên chó, mèo, ngựa con có cơ địa nhạy cảm với Penicillin hoặc do các chủng vi khuẩn đề kháng với Penicillin.
- Erythromycin thay thế Ampicillin hoặc Amoxicillin trong điều trị Leptospirosis (bệnh nghệ) ở heo.
-  Mặc dù Erythromycin có thể gây tiêu chảy rất nặng ở ngựa sau khi tiêm, nhưng vẫn được dùng cho ngựa con do hiệu quả điều trị viêm phổi do Rhodococcus equi. Không dùng đường uống cho ngựa.
* Tương tác thuốc:
- Không được uống cùng các thuốc giảm nhu động ruột.
- Không được trộn lẫn Erythromycin vào dịch truyền. Nhiễm kiềm làm tăng tác dụng của Erythromycin.
* Chú ý:
- Có thể phối hợp Erythromycin với Chloraphanicol trong điều trị, nhất là đối gia cầm.
- Thịt gia súc đã cho dùng thuốc không nên phân phối cho người tiêu dùng trong 48 giờ, sữa trong 72 giờ và trứng gia cầm - không dùng để ấp.
- Chỉ dùng để tiêm cho loài thỏ, không dùng để cho uống vì kém dung nạp.
 
2, Tylosin
- Tylosin kiềm là thuốc có dạng kết tinh màu trắng ít tan trong nước ở pH = 5,5 - 7,5
- Độc tính thấp đối với gia súc.
- Tylosin kiềm hấp thu nhanh chóng vào cơ thể, sau khi tiêm bắp 1 - 2 giờ, nồng độ thuốc trong huyết thanh đạt cao nhất và có thể duy trì trong 1 giờ.
-  Riêng Tylosin tartrat sau khi tiêm dưới da đạt nồng độ cao trong huyết thanh sau 30 phút và duy trì khoảng 6 giờ. Nếu cho uống thì sau 2 - 4 giờ đạt nồng độ cao nhất trong huyết thanh và duy trì được trong vòng 8 - 24 giờ.
- Tylosin bài tiết chủ yếu qua thận, một ít qua mật, phần lớn bài tiết hết sau 8 - 24 giờ.
* Phổ kháng khuẩn. 
- Tylosin có tác dụng diệt khuẩn Gram dương (+), môt số vi khuẩn Gram âm (-), không có tác dụng với vi khuẩn đường ruột, hoạt tính kháng khuẩn giống Erythromycin nhưng kém hơn, ngoại trừ đối với Treponema hyodysenteriae. Đặc biệt hiệu lực mạnh với MycoplasmaChlamydia.
- Tylosin có tác động tốt hơn Erythromycin trong các nhiễm trùng do Mycoplasma spp.
* Chỉ định: được dùng trong thú y để chữa các bệnh sau:
- Các bệnh do phẩy khuẩn, E.coli, trực khuẩn gây loét da thịt, hoaị tử, các bệnh do Corynebacterium và do Actinobacilic.
Đặc biệt chỉ định trong các bệnh:
- Bệnh hô hấp mãn tính, truyền nhiễm của lợn (suyễn heo).
- Bệnh hô hấp mạn tính ở gà (CRD)
- Bệnh viêm xoang gà tây.
- Bệnh cạn sữa truyền nhiễm ở dê, cừu.
- Các bệnh nhiễm khuẩn nặng đường hô hấp của dê, cừu, bê, nghé và loài ăn thịt.
- Bệnh viêm ruột, xuất huyết ở ruột (hồng lỵ).
- Bệnh viêm vú do vi khuẩn Gram dương (+) và do Mycoplasma.
- Viêm tổ chức liên kết, viêm tai ngoài của chó, mèo.
- Bệnh thối móng gia súc.
- Bệnh vàng da do xoắn trùng Leptospira của lợn.
- Tylosin dùng điều trị bệnh mắt đỏ, viêm màng phổi, viêm móng, viêm khớp, viêm tử cung, viêm vú do cầu khuẩn Gram dương (+) cho trâu, bò, dê, cừu.
- Tylosin dùng điều trị viêm phổi và viêm xoang mũi truyền nhiễm, hồng lị, Leptospirosis (bệnh nghệ) ở heo.
- Tylosin điều trị abscess, vết thương nhiễm trùng, viêm da, viêm đường hô hấp trên (viêm họng, viêm khí phế quản), viêm phổi gây ra bởi Staphylococcus spp., Streptococcus spp., vi khuẩn kị khí và Mycoplasma ở chó.
- Gia cầm dùng đường uống điều trị bệnh Spirochetosis (bệnh xoắn khuẩn).
* Chú ý:
-  Vị trí tiêm thuốc có thể còn phản ứng cục bộ, sưng đỏ hoại tử nên chia nhiều vị trí để tiêm.
-  Pha loãng trước khi tiêm, không trộn với các thuốc khác dễ gây kết tủa.
-  Không nên dùng để tiêm cho gia cầm khác trừ gà.
-  Dùng Tylosin tartrat cho gà và tiêm dưới da. Dùng Tylosin tiêm cho gia súc có vú và tiêm bắp.
- Tylosin photphat thường dùng trộn thức ăn cho gia súc, ở lợn và gà có thể có phản ứng nhẹ sau khi tiêm vài giờ, lợn gây ban đỏ, ngứa, thủy thủng, ở niêm mạc trực tràng có thể dẫn đến lòi dom.
- Gà: có thể mệt lã, buồn ngủ, rối loạn phức hợp động tác…
 
3, Spiramycin.
- Spiramycin dung nạp tốt ở đường tiêu hóa. Bài tiết khá mạnh nhưng có khả năng cố định lâu trên tổ chức, trên vi khuẩn nhờ đó tồn tại lâu trong cơ thể.
- Thuốc hấp thu nhanh (thời gian bán hấp thu: 20 phút), nhưng không hoàn toàn, sự hấp thu không bị ảnh hưởng bởi thức ăn.
- 10% liều uống được thải trừ qua nước tiểu, thải trừ rất nhiều qua mật; nồng độ trong mật 15-40 lần cao hơn nồng độ huyết thanh. Một lượng khá lớn được tìm thấy trong phân.
- Spiramycin thuốc chịu đựng được môi trường acid, không độc đối với gan, thời gian bán hủy dài (6 - 8 giờ). 
* Phổ kháng khuẩn
- Spiramycine có phổ kháng khuẩn rộng hơn và hiệu lực mạnh hơn Erythromycin. Cũng có tác dụng chủ yếu trên vi khuẩn Gram dương (+), không có tác dụng đối với vi khuẩn đường ruột Gram âm (-).
- Một số vi khuẩn có sự đề kháng với Spiramycin, trong đó có cả sự kháng chéo giữa Spiramycin, Erythromycin và Oleandomycin. Tuy nhiên, các chủng kháng Erythromycin đôi lúc vẫn còn nhạy cảm với Spiramycin.
- Spiramycin không có phổ kháng khuẩn trên Mycoplasma như Tylosin.
* Chỉ định
- Các bệnh do vi khuẩn Gram dương (+) (tụ cầu, liên cầu khuẩn, phẩy khuẩn, trực khuẩn nhiệt thán, Clostridium, trực khuẩn đóng dấu, Listeria, Corynebacterium), các Toxoplasma, Rickettsia, có hoạt tính đến mức độ nào đó đối với cầu trùng…
- Các bệnh viêm vú, bệnh đường hô hấp, bệnh viêm tử cung, khớp ở loài nhai lại
- Bệnh đóng dấu, viêm khớp, bệnh do liên cầu khuẩn, viêm vú…
- Bệnh CRD ở gia cầm, viêm xoang gà tây, bệnh khớp, viêm bao hoạt dịch,..
- Bệnh sỗ mũi ở thỏ, cầu trùng ở nhím…
- Được dùng trong điều trị viêm màng phổi, viêm vú, viêm kết mạc ở bò.
- Spiramycin có thời gian bán thải khá dài nên có thể dùng 1 liều duy nhất để trị nhiễm trùng nội mạc tử cung cho bò và cừu.
- Có tác động đến Toxoplasma (kí sinh trùng truyền nhiễm) và  Cryptosporidium (tiêu chảy cấp).
- Giới hạn sử dụng trị viêm vú bò nhất là bò đang cho sữa, do bất lợi về tồn dư lâu dài trong sữa.
- Được dùng để phòng sẩy thai do Toxoplasma, viêm kết giác mạc, nhiễm trùng nội mạc tử cung ở cừu.
- Phòng và trị các bệnh:
* Lưu ý:
- Ở gia cầm có thể xảy ra ủ rủ và giảm đẻ trứng tạm thời khi tiêm thuốc.
 
4, Tilmicosin
- Tilmicosin thuộc nhóm kháng sinh  macrolid tổng hợp từ Tylosin. 
- Tilmicosin có phổ kháng khuẩn tương tự với Tylosin với tác dụng chống lại Pasteurella multocida và Pasteurella haemolitica 
-   Không thấy có sự kháng chéo giữa Tilmicosin với các kháng sinh khác.
- Tilmicosin dùng ngoài (tiêm bắp, da…)  độc hơn Tilmicosin dùng đường uống. Tiêm bắp và tiêm truyền tĩnh mạch của 7,5-30 mg / kg thể trọng tại loài khác nhau có thể gây tử vong.
- Có hiểu quả cao trong điều trị viêm phổi do vi khuẩn ở bê, viêm móng với một liều tiêm dưới da duy nhất.
- Dùng để phòng bệnh do ActinobacillusPasteurella multocida (tụ huyết trùng) ở heo, thỏ.
- Phòng và trị viêm đường hô hâp ở gia cầm do Mycoplasma spp gây ra.
 
5, Tulathromycin
- Đây là kháng sinh mới, được bán tổng hợp từ Erythromycin, hiệu quả điều trị bệnh đường hô hấp rất cao.
- Hấp thu nhanh. Thời gian bán hủy rất dài khoảng 91 giờ.
- Nồng độ đạt được ở phổi cao gấp 60 lần (ở heo) và 73 lần (ở bò) so với nồng độ trong huyết tương. Nên dùng trị bệnh đường hô hấp rất hiệu quả, hơn hẳn Tilmicosin và Florfenicol
- Tulathromycin tác động cả vi khuẩn Gram dương (+), Gram âm (-) bao gồm P. multocida (tụ huyết trùng), Haemophilus, Actinobacillus pleuropneumoniae (viêm phổi màng phổi), Bordetella.
* Chỉ định:
- Heo: Suyễn, tụ huyết trùng, viêm phổi-màng phổi, viêm teo mũi truyền nhiễm, viêm phổi phức hợp ( kết hợp giữa PPRS và APP)...
- Heo: Phòng và trị các bệnh đường hô hấp, tụ huyết trùng, ho, thở thể bụng gây ra do Actinobacillus pleuropneumoniae; Mycoplasma hyopneumoniae, Haemophilus parasuis và Pasteurella multocida. Điều trị rất hiệu quả các phụ nhiễm do bệnh tai xanh (PRRS). các bệnh nhiễm khuẩn niệu dục, khớp móng, viêm da...
- Bê, nghé, trâu, bò: Phòng và trị các bệnh đường hô hấp như bệnh tụ huyết trùng, viêm phổi, gây ra do Pasteurella multocida, Mycoplasma bovis, Mannheimia haemolytica, Histophilus somni, bệnh viêm giác mạc - kết mạc mắt và bệnh thối móng.
 
6, Azithromycin
- Azithromycin thức ăn cản trở hấp thu.
- Azithromycin thuốc thấm rất nhiều vào mô (trừ dịch não tủy). Thuốc có phổ tác dụng rất rộng và thời gian bán thải dài (hơn 70 giờ) cho nên chỉ cần dùng một lần trong ngày và 3 ngày trong một đợt điều trị.
- Azithromycin nồng độ thuốc trong tế bào còn cao hơn trong huyết tương => điều trị nhiễm khuẩn nội bào tốt.
 
7, Độc tính
- Kháng sinh nhóm này có độc tính thấp nhất. Triệu chứng lâm sàng thường gặp trên người hơn là trên gia súc.
- Sốt, nôn mửa, dị ứng da cũng có thể gặp. Kích ứng mạnh gây đau tại vị trí tiêm bắp có thể xày ra. Tác dụng phụ khi tiêm tĩnh mạch là có thể gây huyết khối.
- Do Erythromycin bài thải qua phân, có thể gây tác dụng phụ dẫn đến tử vong đến ngựa. Nguyên nhân là tiêu chảy do nhiễm Clostridium dificile.
- Tử vong cũng có thể gặp ở thỏ do tiêu chảy dạng typhocolitis.
- Chống chỉ định Erythromycin dùng đường uống cho loài nhai lại và Tylosin ở ngựa.
- Tilmicosin có tác dụng phụ rất cao trên tim mạch và độc tính này phụ thuộc loài nên chống chỉ định ở heo, ngựa, loài linh trườn, nhất là tiêm bắp vì sẽ gây tử vong.
 
8,  Phối hợp kháng sinh.
- Tylosin kết hợp với Oxytetracycline có hiệu quả tốt trong điều trị các nhiễm trùng do các vi khuẩn nhạy cảm gây ra trên trâu, bò, dê, cừu.
- Tylosin kết hợp với sulfonamide trong thức ăn cho kết quả khả quan trong phòng bệnh viêm phổi ở heo, chó.
- Giữa các Macrolides và đồng loại, và với Chloramphenicol có tác dụng đối kháng ( có thể do sự tương tranh điểm gắn trên ribosome).
- Ngoài ra, do ức chế sự chuyển hóa gan, ruột, giảm thải trừ nên làm tăng nồng độ trong huyết tương các thuốc: caffein, theophyllin, digoxin, corticosteroids, warfarin, billirubin.
 
Một số thuốc tốt thuộc nhóm  Macrolide hay sử dụng:  Bài viết tiếp theo chúng ta sẽ tìm hiểu về Nhóm Sulfonamide mời bạn đọc theo dõi. 
 
Thong ke

Gửi tin nhắn qua Zalo