TT Phân Phối Thuốc Trang Trại FARMVET : X Kim Anh- H Kim Thành- T Hải Dương- GPKD số: 04F8000473- MST: 0800307128

Tư vấn kỹ thuật : 0977565565 | 8h – 19h00 ( Từ Thứ Hai  đến Thứ Bảy )

BỆNH MAREK Ở GÀ: CÁCH NHẬN BIẾT VÀ PHÒNG CHỐNG

02/10/2019 | Nguyễn Hằng

Bệnh Marek xuất hiện ở nước ta vào năm 1978 với tên gọi teo chân gà, ung thư gà, hội chứng khối u… Bệnh gây nên bởi virus Herpes type B. Phương thức lây truyền chính là qua đường hô hấp và ăn uống. Những vẩy bụi da và lông gà nhiễm bệnh Marek giữ được khả năng nhiễm bệnh tới hơn một năm, gà con thường dễ nhiễm bệnh. Khi bị nhiễm virus, gà có thời kỳ ủ bệnh dài, tối thiểu là 28 ngày, thường là 2 tháng sau đó. Khi gà mắc bệnh Marek có tỷ lệ chết cao, có đàn lên tới 60-70%. Hiện nay chúng ta vẫn chưa có được thuốc để điều trị căn bệnh này. Do vậy, việc nhận biết căn bệnh và các biện pháp phòng chống là vô cùng quan trọng.

NGUYÊN NHÂN

Marek là bệnh truyền nhiễm của gà do một loại virus thuộc nhóm herpes gây ra. Đến nay người ta đã phân lập được ba type virus herpes:

Serotype 1: Những chủng tạo khối u, có độc lực cao và thay đổi.

Serotype 2: Những chủng ngoài tự nhiên, không gây khối u.

Serotype 3: Những chủng có độc lực thấp, không gây bệnh, chủ yếu trên gà tây. Thường được sử dụng làm vaccine.

Tỷ lệ mắc bệnh từ 10 – 60%.

Tỷ lệ chết có thể lên tới 100%.

Tất cả các loại gà đều mẫn cảm với bệnh. Gà thường mắc bệnh sau 6 tuần tuổi, xảy ra chủ yếu ở độ tuổi 8 - 24 tuần tuổi. Ngoài gà còn có ghi nhận bệnh sảy ra trên thủy cầm và các loại chim.

Bệnh có đặc điểm là sự tăng sinh cao độ tế bào lympo dưới hình thức khối u ở tổ chức thần kinh ngoại biên, các cơ quan nội tạng, da và cơ làm xuất hiện các triệu chứng rối loạn vận động và bại liệt.

ĐƯỜNG LÂY TRUYỀN BỆNH

Bệnh có thể lây lan nhanh, mạnh trên đàn gà vì virus có trong các nang lông. Sau khi nhiễm bệnh 14 ngày, gà con đã lây bệnh cho nhau.

Virus có thể tồn tại nhiều tháng trong môi trường ở nhiệt độ 20-25 độ C và hàng năm ở 4 độ C. Khi xâm nhập vào đàn, virus có khả năng lây lan nhanh giữa gia cầm chưa được tiêm phòng. Gà nhiễm bệnh tiếp tục mang trùng và là nguồn lây bệnh trong thời gian dài. Virus có thể lan truyền rất xa trong không khí.

Bệnh lây trực tiếp từ gà ốm sang gà khoẻ bằng đường hô hấp và lây gián tiếp qua thức ăn, nước uống, dụng cụ chăn nuôi và cơ sở ấp trứng có chứa mầm bệnh.

Bệnh không lây qua phôi.

TRIỆU CHỨNG

Bệnh tiến triển chủ yếu ở hai thể cấp tính và mãn tính.

- Thể cấp tính: Chủ yếu ở gà 4 – 8 tuần tuổi, có thể sớm hơn.

Bệnh ít có triệu chứng điển hình, ngoài hiện tượng chết đột ngột. Tỷ lệ chết thường cao, có khi tới 20 – 30%, thường thể hiện triệu chứng ủ rũ và gầy yếu trước khi chết.

Gà thường bỏ ăn, ỉa phân lỏng và giảm tỷ lệ đẻ, đi lại khó khăn, bại liệt, sã cánh một bên do viêm dây thần kinh vận động.

- Thể mãn tính (thể cổ điển): Chủ yếu xảy ra ở gà 4 – 8 tháng tuổi thường ở hai thể, thể thần kinh và thể mắt.

+ Thể thần kinh: gà bệnh đi lại khó khăn, liệt nhẹ rồi dần dần bại liệt hoàn toàn. Đuôi gà có thể bị rủ xuống hoặc lệnh sang một bên. Cánh sã xuống một bên hoặc cả hai bên.

+ Thể viêm mắt: Trong nhiều ổ dịch, gà thường viêm mắt. Bệnh bắt đầu bằng hiện tượng viêm mắt nhẹ. Gà tỏ ra rất mẫn cảm với ánh sáng, chảy nước mắt trong. Dần dần viêm màng tiếp hợp rồi viêm mống mắt. Mủ trắng đóng dầy khoé mắt, khả năng nhìn kém dần, không mổ trúng thức ăn và cuối cùng có thể bị mù.

BỆNH TÍCH

Nhìn chung gà chết nghi bệnh Marek thường có xác gà gầy mòn. Xác gà chết có một chân đưa về phía trước và một chân về phía sau.

- Thể cấp tính: Từ ngoài vào trong chúng ta nhận thấy da gà sần sùi, lỗ chân lông nở to và dày lên từng cục. Tiếp đến là các khối u ở nội tạng như: gan, lách, thận, phổi, buồng trứng, dịch hoàn...

Thể u lan tràn: U thường có ở gan, lách, thận, phổi, buồng trứng, túi fabricius, dịch hoàn … gan, lách sưng to hơn nhiều lần so với bình thường, nhạt màu và bở. 

Thể u hạt: Khối u ở thể hạt làm mặt gan sần sùi với nhiều nốt to nhỏ không đồng đều nhau màu trắng xám. Trường hợp khối u ở đường tiêu hóa như dạ dày tuyến, thành ruột, sẽ làm tổ chức này dày lên. U ở cơ làm tổ chức cơ phồng to, mặt cắt khối u màu trắng xám do thâm nhiễm bạch cầu.

+ U ở gan

+ U ở dạ dày cơ

+ U ở ruột

+ U ở tim

- Thể mãn tính: bệnh tích chủ yếu là hiện tượng viêm tăng sinh các dây thần kinh ngoại vi. Dây thần kinh hông, thần kinh cánh  bị sưng to, có khi to hơn 4 – 5 lần so với bình thường và có thể bị phù thũng. Ngoài bệnh biến ở tổ chức thần kinh còn một số bệnh tích khác như các cơ bị teo, mắt mù, con ngươi biến dạng.

Bệnh Marek rất dễ nhầm lẫn với bệnh Lơ-cô và bệnh Niu-cat-xơn:

Khối u ở bệnh Marek không có ranh giới với cơ quan bình thường và lát cắt khô không đều màu, đôi khi có điểm tụ huyết hoặc xuất huyết đây là đặc điểm phân biệt với bệnh Lơ-cô (Leuco).

Còn bệnh Niu-cat-xơn đặc trưng bởi những điểm xuất huyết bề mặt ở thực quản, dạ dày tuyến, dạ dày cơ và không tạo khối u ở nội tạng như bệnh Marek.

PHÒNG, TRỊ BỆNH

Bệnh không có thuốc chữa đặc hiệu.

Cần thực hiện tốt các biện pháp phòng bệnh sau đây :

Khi chưa có dịch xảy ra:

- Tiêm vắc xin phòng bệnh Marek bắt buộc cho gà con 1 ngày tuổi.

- Thực hiện nghiêm ngặt các biện pháp vệ sinh phòng bệnh thú y, chăm sóc nuôi dưỡng để ngăn chặn bệnh Marek lây lan trong khu chuồng nuôi. Hàng ngày quét, nhặt thu dọn lông và đốt hết lông vì vi rút tồn tại lâu trong chân lông.

- Đối với các trại gà chăn nuôi công nghiệp nhất thiết phải có khu riêng biệt nuôi gà mái đẻ và khu nuôi gà con, phải tuyệt đối chấp hành nguyên tắc: cùng nhập, cùng xuất (gà đưa vào nuôi cùng một lúc, xuất ra cùng một lúc). Sau khi xuất chuồng phải tiến hành tổng tẩy uế chuồng trại, dụng cụ và môi trường chăn nuôi bằng các loại thuốc khử trùng ,sau đó chuồng trại phải để trống ít nhất 1 tháng. Riêng đối với đàn đã nhiễm bệnh trước đó để trống chuồng ít nhất 3 tháng và thường xuyên vệ sinh tiêu độc khử trùng.

- Thực hiện các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học. Chú ý không nuôi gà lớn, gà con lẫn lộn.

Khi có bệnh xảy ra:

- Giám sát phát hiện sớm.

- Cách ly đàn mắc bệnh, không được vận chuyển gà trong đàn nhiễm bệnh ra ngoài.

- Tiêu huỷ toàn bộ đàn mắc bệnh (bằng cách đốt, sau đó chôn giống như đối với bệnh cúm gia cầm), đồng thời xử lý các chất tồn dư (phân, rác vv..).

- Vệ sinh tiêu độc khử trùng chuồng trại định kỳ 1 – 2 lần/1 tuần, phun thuốc sát trùng BIO-DINE (đặc biệt khuyến cáo đối với bệnh Marek, Niu-cát-xơn…) 

- Cấm nhập gà giống về nuôi trong thời gian xử lý đàn gà bệnh.

- Để trống chuồng ít nhất 3 tháng.

Thong ke

Gửi tin nhắn qua Zalo