TT Phân Phối Thuốc Trang Trại FARMVET : X Kim Anh- H Kim Thành- T Hải Dương- GPKD số: 04F8000473- MST: 0800307128

Tư vấn kỹ thuật : 0977565565 | 8h – 19h00 ( Từ Thứ Hai  đến Thứ Bảy )

BỆNH NEWCATSTLE ( NIU-CÁT-XƠN ) TRÊN GÀ

27/09/2019 | Phí Ngọc Tú

Bệnh newcastle ở gà, còn gọi là bệnh gà rù, một bệnh rất nguy hiểm bởi khi gà phát bệnh khả năng chết rất cao và chết rất nhanh

Nguyên nhân

Bệnh Newcastle do Paramyxo virus - một ARN virus, gây ra. Virus có vỏ bọc, trên vỏ có gai kháng nguyên HN và kháng nguyên F và có khả năng ngưng kết hồng cầu. Bệnh có 9 type huyết thanh: PMV 1- 9. Chất chứa mầm bệnh: não, phổi, cơ quan nội tạng, dịch tiết đường hô hấp, phân. Lây lan qua đường hô hấp và đường tiêu hóa.

Các thể của bệnh Newcastle trên gà

Thể hướng nội tạng,

Thường thấy bệnh tích xuất huyết màng giả ở toàn bộ đường tiêu hóa, từ mề cho đến hậu môn. Cần chú ý đến xuất huyết ở biểu mô mề (Hình 1). Niêm mạc phù, bị bao quanh bởi các chất nhầy dày (Hình 2) và xuất hiện một hay nhiều đốm xuất huyết (Hình 3), đôi khi các đốm này tập trung tại ranh giới mề - thực quản.

                Hình 1 Xuất huyết ở biểu mô mề

 

Hình 2 Niêm mạc mề phù và bị bao quanh bởi các chất nhầy dày 

               

 Hình 3 Đốm xuất huyết trên mề

Triệu chứng điển hình của thể này là xuất huyết hoại tử và các bệnh tích màng giả ở niêm mạc khoang miệng (Hình 4), dạ dày và ruột (Hình 5). Thể bệnh này thường xuất hiện ở gà mái, ít thấy ở gà tây, chim hoang dã hay gia cầm cảnh.

Hình 4 Xuất huyết hoại tử và các bệnh tích màng giả ở niêm mạc khoang miệng

Hình 5 Xuất huyết hoại tử và các bệnh tích màng giả ở niêm mạc dạ dày và niêm mạc ruột

Tùy thuộc vào khả năng gây bệnh trên phôi gà mà vi-rút được phân loại thành độc lực yếu (lentogenic), độc lực vừa (mesogenic) và độc lực cao (velogenic). Các vắc-xin được làm từ chủng lentogenic chỉ tạo ra sự bảo vệ trong một thời gian ngắn, nên cần phải tái chủng lại. Trong khi các vắc-xin được làm từ chủng mesogenic có bảo hộ miễn dịch lâu hơn nhưng lại có thể gây chết gia cầm, nhất là các gia cầm không có sự miễn dịch ban đầu từ vắc-xin chủng lentogenic.

Bệnh tích thường thấy là các hạch bạch huyết ở manh tràng to hơn bình thường và xuất huyết (Hình 6); hiện tượng viêm và xuất huyết ở vùng hậu môn (Hình 7). Thông thường, các bệnh tích này bắt đầu từ các mô bạch huyết của niêm mạc.

Hình 6 Các hạch bạch huyết ở manh tràng to hơn bình thường và xuất huyết 

Hình 7 Hiện tượng viêm và xuất huyết ở vùng hậu môn

Vi-rút nếu nhiễm vào trứng đang ấp, phôi sẽ chết và biến mất.

Nguồn lây lan mầm bệnh là các chất tiết có chứa vi-rút nhiễm vào thức ăn, nước uống và môi trường. Bệnh này lây truyền chủ yếu qua đường hô hấp, tiêu hóa. Hay có thể lây lan qua tiếp xúc với gia cầm bệnh. Vi-rút chỉ tồn tại một thời gian trong các gia cầm mang trùng. Một đường lây truyền quan trọng của chủng velogenic có thể xảy ra giữa gia cầm cảnh và gà chọi. Tỉ lệ chết có thể đạt tới 70% đến 100%.

Thể thần kinh có biểu hiện lâm sàng như mất cân bằng, cơ thể cứng và cong về phía sau (Hình 8), trẹo cổ, liệt nhẹ và chân không đi được.Thể bệnh này thường đi kèm với các triệu chứng hô hấp. Khi nghiên cứu mô bệnh, có thể thấy ở não và dây cột sống bị viêm chảy dịch bạch huyết nhưng không chảy mủ.

 

Hình 8 Cơ thể cứng và cong về phía sau trong thể thần kinh

Một số chủng thường gặp của Newcastle

Type Chỉ số ICPI Đánh giá
Phy IMV 0 - 0.16 Yếu
Hitchner B1 0.2 Trung bình
F 0.25 Trung bình
VG / GA 0.35 Trung bình
Clone 30 - 45 0.36 Trung bình
Lasota 0.4 Trung bình
Makteswa 1.4 Mạnh, cường độc

Bệnh tích của bệnh Newcastle trên gà

- Tích dịch viêm ở thanh quan, khí quản

- Xung huyết, xuất huyết khí quản

- Có thể viêm ở phổi

- Túi khí viêm dày đục, tích dịch viêm và casein

- Dạ dày cơ có thể xuất huyết

- Dạ dày tuyến: xuất huyết ở đỉnh các tuyến

- Thành ruột xuất huyết đỏ đậm, kêt hợp hoại tử ở các mảng lympho, ở ngã ba van hồi manh tràng.

- Gà đẻ: nang trứng xuất huyết, mềm nhão, thoái hóa, có khi rớt trứng vào xoang bụng.

Chủng Newcastle mới - Class II genotype VIId

Trong những tháng cuối năm 2010, ở Malaysia, người ta phát hiện ra một chủng Newcastle mới: Newcastle virus Class II genotype VIId. Bệnh xảy ra trên gà thịt, gây chết khoảng 30 %, đặc biệt là giai đoạn gà 30 ngày tuổi. Trên gà đẻ, tỷ lệ đẻ giảm 30 -50%.

Bệnh xảy ra với triệu chứng đặc trưng là run đầu. Bệnh tích xuất huyết trên nhiều cơ quan nội tạng.

Chẩn đoán Bệnh Newcastle trong phòng thí nghiệm

- Phương pháp Elisa: Tuy nhiên, nhược điểm của phương pháp này là ta chỉ đánh giá được dương tính/âm tính về kháng thể trong máu của gia cầm. Phương pháp không định lượng được kháng thể có GMT (hiệu giá kháng thể trung bình) là bao nhiêu.

- Phương pháp HA - HI: cho kết quả nhanh, chính xác. Máu được lấy để kiểm tra kháng thể sau 2 tuần chủng ngừa vaccine.

+ Đối với gà nhỏ, kháng thể trong máu phải đạt: 2.5 ≤ GMT ≤ 5.5

Nếu GMT < 2.5, kháng thể trong máu không đủ bảo hộ cho gà con, nên làm lại vaccine cho gà.

Nếu GMT > 5.5, nên theo dõi thêm các triệu chứng lâm sàng để có hướng giải quyết kịp thời. Lúc này, kháng thể trong máu gia cầm, có thể là do virus trong chuồng nuôi chứ không phải do virus trong vaccine.

+ Đối với gà hậu bị và gà đẻ thì chỉ số GMT phải đạt: 7.5 ≤ GMT ≤ 9

Diễn biến kháng thể trong máu gia cầm

- Sau 4 tuần tuổi đầu tiên, ta có một lịch vaccine Newcastle khá dày cho gia cầm. Ra ngoài 4 tuần tuổi, khoảng ngày thứ 32 - 36, lượng kháng thể trong máu gia cầm giảm xuống.

- Khoảng ngày 35-36 ta chủng ngừa vaccine cho gia cầm, lượng kháng thể sẽ tăng lên đến khoảng ngày thứ 50 sẽ giảm dần.

Nếu ta tiêm vaccine nhũ dầu trong giai đoạn này, nó sẽ duy trì lượng kháng thể đến khoảng khoảng 16 tuần tuổi.

- Đến giai đoạn 16 tuần tuổi, ta chủng ngừa vaccine; nó sẽ duy trì đến giai đoạn khoảng 23-25 tuần tuổi giảm xuống. Tuy nhiên, trong giai đoạn này, ta nên chủng ngừa tiếp ở khoảng 21-22 tuần tuổi để duy trì lượng kháng thể sẽ hợp lý hơn.

- Trong giai đoạn sau, cứ 5 tuần, ta nên nhắc lại vaccine một lần.

Phòng bệnh Newcastle trên gà

- Vệ sinh thú y tốt, thực hiện an toàn sinh học.

- Phòng bệnh bằng vaccine. Có thể tham khảo lịch vaccine cho trại gà thịt như sau 

+ 5 - 7 ngày bắt nhỏ từng con vắc xin Lasota

+ 20 - 22 ngày nhỏ hoặc cho uống Lasota

+ 35 -40 ngày tiêm vaccine nhũ dầu

Trại gà đẻ tiêm thêm như sau :

+ 16 - 18 tuần tiêm vaccine nhũ dầu

+ 21 tuần tiêm 1 mũi nhũ dầu

+ Khi vào đẻ cứ 5 tuần nhắc lại 1 lần uống. 

Bạn đọc tham khảo cách điều trị trong bài : PHƯƠNG PHÁP ĐIỀU TRỊ BỆNH NEWCASTLE ( NIU -CÁT-XƠN ) 

( Theo www.vietdvm.com )

Thong ke

Gửi tin nhắn qua Zalo