Virus cúm gia cầm thuộc họ Orthomyxoviridae, có vỏ Glycoprotein với các kháng nguyên bề mặt có hoạt tính gây ngưng kết hồng cầu HA và enzym neuraminidase NA. Hai kháng nguyên này là cơ sở để phân loại virus với ký hiệu bằng chữ H và N. Hiện tại đã xác định được virus có 15 kháng nguyên H và 9 kháng nguyên N. Việc định danh týp A, B, C dựa trên đặc tính kháng nguyên N và nucleoprotein của virus. Virus cúm A được coi là nguyên nhân của các vụ đại dịch trên thế giới từ trước đến nay.
Dịch cúm, virus cúm có tỉ lệ đột biến cao và kháng nguyên bề mặt luôn có xu hướng biến đổi. Chỉ cần những đột biến nhỏ đã dẫn tới sự biến đổi kháng nguyên, tạo ra một chúng cúm mới A hoặc B. Hằng năm, quá trình này gây nên dịch cúm trên diện rộng, thường xảy ra vào cuối thu và đầu xuân. Đại dịch cúm thường liên quan tới sự thay đổi cơ bản gen ở virus cúm A tạo nên một phân týp virus mới. Kháng nguyên bề mặt không bị biến đổi mà được thay thế bằng một kháng nguyên mới hoàn toàn khác biệt. Khi đột biến gen xảy ra, toàn bộ cộng đồng chưa có miễn dịch đối với phân týp virus cúm mới đó. Ví dụ, năm 1957, một phân týp cúm A mới là H2N2 thay thế cho phân týp H1N1 đã lưu hành trên người trong gần 4 thập kỷ.
Virus H5N1 mà thế giới đang đối phó là loại virus có khả năng biến thể rất cao. Trước hết là tạo ra biến đổi gen có thể lây từ người sang người. Thứ hai là virus H5N1 kết hợp với virus cúm ở người tạo ra một loại virus mới có đầy đủ tính năng của hai loại virus cũ, dễ dàng tạo ra đại dịch cúm cho người với mức độ tử vong cao.
Các đại dịch cúm gia cầm lớn trên thế giới
1. Cúm Tây Ban Nha (1918-1919): gây ra bởi virus cúm gia cầm phân týp H1N1, gây tổn thất nặng nề với hầu khắp các nước trên thế giới. Ước tính khoảng 20 triệu - 40 triệu người bị tử vong, số tử vong cao nhất ở người trẻ và khỏe mạnh trong độ tuổi từ 25 đến 35.
2. Cúm châu Á (1957-1958): Đại dịch này được gây ra bởi virus phân týp H2N2 có tính động lực thấp hơn đại dịch năm 1918-1919 và thế giới đã có sự chuẩn bị tốt hơn. Tỉ lệ tử vong thấp, từ 1/2000 đến 1/10.000. Virus này gây tử vong chủ yếu ở trẻ sơ sinh và người già.
3. Cúm Hồng Kông (1968-1969): tháng 7-1968, một phân týp cúm H3N2 xuất hiện, người ta cho rằng thể lâm sàng tương đối nhẹ của đại dịch cúm này là do cấu trúc gien tương tự giữa virus H3N2 và H2N2 nên một số các quần thể dân cư đã có một phần kháng thể chống lại virus cúm hoặc đề kháng với thể bệnh nặng. Tử vong chủ yếu của người già trên 65 tuổi.
Cả hai trận đại dịch cúm châu Á và cúm Hồng Kông khiến 4,5 triệu người tử vong.
(Theo Thông tin Quốc tế)