1. Nguyên nhân
Do virut Avian Encephalomyelitis (AEV), khá bền vững ở môi trường.
Bệnh truyền dọc qua trứng là chính. Gà đẻ bệnh truyền virut và làm phôi chết, tỷ lệ nở giảm. Gà con nở ra biểu hiện triệu chứng lâm sàng và gây ô nhiễm mầm bệnh máy ấp.
Gà con có thể nhiễm virut qua thức ăn, nước uống.
Virut tăng sinh ở ruột và theo phân thải ra ngoài, gây ô nhiễm môi trường.
2. Triệu chứng
Ủ bệnh 5-14 ngày, phụ thuộc đường lây truyền.
Bệnh biểu hiện ở gà con ngay từ khi ấp hay trong tuần tuổi đầu, nhất là khi virut lây truyền qua trứng.
Triệu chứng dễ nhận thấy nhất vào 2 tuần tuổi. Gà bệnh xáo động và miễn cưỡng vận động. Khi đuổi, gà đi loạng choạng sau đó lại nằm ngay rồi run rẩy đầu, cổ, cánh.
Tỷ lệ gà ốm 10-50%, trong đó gà chết có thể đến 70%.
Gà quá 8 tuần tuổi ít khi biểu hiện triệu chứng lâm sàng, tỷ lệ đẻ giảm 5-50%, tỷ lệ trứng nở giảm nghiêm trọng.
3. Bệnh tích
Không thấy tổn thương lớn, nhưng kiểm tra tế bào học não, diều, tụy có những biến đổi đặc trưng.
Cần phân biệt với thoái hóa não do thiếu vitamin A.
4. Chẩn đoán
Triệu chứng lâm sàng, dịch tễ là cơ sở quan trọng để chẩn đoán bệnh: Lứa tuổi; run rẩy đầu, cổ, cánh ở gà con và giảm sản phẩm thịt ở gà thịt và giảm đẻ.
Mổ khám không thể phát hiện được gì.
Kiểm tra tổ chức học, nuôi cấy virut trên phôi gà. Làm phản ứng trung hòa.
5. Phòng bệnh
Không có liệu pháp đặc hiệu mà chủ yếu sử dụng vacxin, nhất là đàn hậu bị và gà đẻ. Kết hợp sử dụng các biện pháp an toàn sinh học để phòng bệnh.
Phòng bệnh bằng vacxin cho đàn gà giống hay gà đẻ trứng lúc 12-15 tuần tuổi, theo khuyến cáo của nhà sản xuất. Miễn dịch hình thành sau 3 tuần tuổi.
Miễn dịch từ gà mẹ truyền qua trứng bảo hộ cho gà con được 2-3 tuần đầu.
Bổ sung các vitamin thiết yếu như: Vitamin A, D, E, các vitamin nhóm B và vitamin C...
(Nguồn tham khảo: Một số bệnh quan trọng trên gà - Nhà xuất bản Thanh Niên)