TT Phân Phối Thuốc Trang Trại FARMVET : X Kim Anh- H Kim Thành- T Hải Dương- GPKD số: 04F8000473- MST: 0800307128

Tư vấn kỹ thuật : 0977565565 | 8h – 19h00 ( Từ Thứ Hai  đến Thứ Bảy )

HỘI CHỨNG RỐI LOẠN SINH SẢN VÀ HÔ HẤP PRRS TRÊN HEO

15/06/2019 | Phí Ngọc Tu

Hội chứng rối loạn sinh sản và hô hấp trên heo, gọi tắt là bệnh PRRS (Porcine Reproductive & Respiratory Syndrome) còn gọi là bệnh tai xanh, là một bệnh quan trọng trên heo do virus gây ra. PRRS xuất hiện đầu tiên ở Mỹ năm 1987, và phải đến năm 1992 thì mới được Tổ chức Thú y thế giới OIE công nhận. Còn ở Việt Nam, PRRS được phát hiện năm 1997 từ các đàn heo nhập ngoại.

Tác nhân gây bệnh: Hội chứng rối loạn sinh sản hô hấp trên heo do virus ARN sợi dương, có vỏ envelop, thuộc giống Arterivirus, họ Arteriviridae và bộ Nidovirales. Hiện nay PRRSV (Porcine Reproductive and Respiratory Syndrome Virus) được chia làm 2 kiểu gen:

- Kiểu gen châu Âu (EU: European genotype)

- Kiểu gen Bắc Mỹ (NA: North American genotype), bao gồm virus PRRS dòng Bắc Mỹ cổ điển và virus PRRS dòng Trung Quốc.

Virus PRRS kiểu gen châu Âu và Bắc Mỹ khác nhau về đặc điểm bộ gen, yếu tố kháng nguyên. Sự tương đồng về gen giữa 2 virus PRRS Bắc Mỹ và châu Âu dao động từ 52 đến 81 %. Virus PRRS dễ bị vô hoạt bằng ether hoặc chloroform. Virus tồn tại lâu ở nhiệt độ đông lạnh sâu (-70OC), nhưng ở nhiệt độ 56OC khả năng lây nhiễm của virus sẽ mất đi sau 15 – 20 phút. PRRSV phát triển tốt trên môi trường tế bào đại thực bào túi phổi heo (porcine alveolar macrophage - PAMs) và một số dòng tế bào thận khỉ châu Phi (African monkey kidney cell) như dòng tế bào MARC - 145. Virus PRRS thường gây bệnh tích tế bào sau 1 – 2 ngày nuôi cấy trên tế bào.

1. Dịch tễ: Heo nhiễm bệnh là nguồn bài thải virus quan trọng nhất. Virus PRRS có thể truyền lây trực tiếp từ heo mẹ qua thai, đặc biệt nguy hiểm nếu heo nái nhiễm virus PRRS ở giai đoạn sau 2/3 của thai kỳ. Heo con nhiễm virus PRRS trong bụng, khi sinh ra sẽ mang virus trong máu và bài thải virus trong khoảng 3 tháng sau. Nái mang trùng là yếu tố quan trọng làm cho bệnh PRRS có thể tái đi tái lại nhiều lần trong trại.

Virus PRRS có thể lây nhiễm vào trong trại thông qua những yếu tố sau: Heo mới nhập đàn, tinh dịch, phương tiện vận chuyển, vật dụng chăn nuôi, kỹ thuật viên, người vào thăm viếng trại... Không khí từ trang trại kế cận (đặc biệt quan trọng nếu ẩm độ cao, nhiệt độ thấp, thông thoáng kém). Khoảng cách lây nhiễm qua không khí có thể đến 3 km.  

Mức độ nghiêm trọng của Hội chứng rối loạn sinh sản và hô hấp thay đổi theo đàn, hộ chăn nuôi, tùy thuộc vào tình trạng miễn dịch của đàn heo, hệ vi sinh vật gây bệnh tại trại, kỹ thuật quản lý, chăm sóc...

2. Triệu chứng: 

Heo bệnh sốt rất cao, hơn 40OC, phổ biến ở mức 41OC đi kèm với các triệu chứng liên quan đến rối loạn hô hấp và rối loạn sinh sản trên toàn đàn (heo sau cai sữa, heo thịt, heo nái).

- Trên nái (nhất là nái tơ): sảy thai, đẻ non, chết thai, da ửng đỏ (Hình 2)

- Trên nọc: giảm chất lượng tinh, số lượng tinh trùng giảm...

- Trên heo thịt: kém ăn, triệu chứng hô hấp, da ửng đỏ, tím tái... (Hình 3).

- Ở các trại heo sinh sản khi bị nhiễm bệnh PRRS số heo con chết khi sinh, thai chết khô, tỷ lệ sinh non và heo con sinh ra yếu sẽ gia tăng. Tỷ lệ thai chết tươi và chết khô có thể tăng đến 25 – 30%, và tỷ lệ sảy thai có thể nhiều hơn 10%, tỷ lệ chết của heo con theo mẹ có thể đến 30 – 50%. Heo con bị bệnh PRRS sẽ có các triệu chứng hô hấp (viêm phổi hoại tử, viêm phổi kẽ. ...), có thể bị tiêu chảy do bội nhiễm vi khuẩn E. coli, kéo dài, tái phát sau khi ngưng điều trị kháng sinh.

- Heo sau cai sữa, heo thịt: rối loạn hô hấp, tăng trọng giảm đến 85% và tỷ lệ chết tăng 10 – 25%. Heo có thể bị tiêu chảy do bội nhiễm vi khuẩn E. coli, kéo dài, tái phát sau khi ngưng điều trị kháng sinh.

3. Bệnh tích: 

Xuất huyết ở nhiều cơ quan (hạch, phổi, thận, âm hộ, âm đạo...) (Hình 4A, 4B), gan hoại tử, xuất huyết (Hình 4C), phổi bị viêm kẽ hoặc phổi bị xẹp (Hình 4D) và có thể thay đổi theo tình trạng phụ nhiễm hoặc đồng nhiễm vi khuẩn hoặc virus gây bệnh khác.

4. Chẩn đoán

4.1 Chẩn đoán lâm sàng: Bệnh dễ nhầm lẫn với các bệnh nhiễm trùng máu khác như dịch tả heo, phó thương hàn, tụ huyết trùng, bệnh do Streptococcus... Để có thể nhận biết được bệnh một cách tương đối chính xác cần dựa trên triệu chứng bệnh cùng lúc: trên đàn nái (hậu bị, nái tơ mang thai) và trên cả heo thịt. Triệu chứng bệnh được quan sát thấy trên nhiều heo cùng lúc và xuất hiện nhanh gần như trên toàn đàn, xảy thai nhiều trên nhóm heo hậu bị, nái tơ. Các nhóm heo khác có triệu chứng sốt cao, hô hấp, viêm kết mạc nhẹ, chỉ trong 3 đến 5 ngày. Nếu không có bội nhiễm, kết hợp bệnh do virus khác như Dịch tả heo, can thiệp tích cực bằng kháng sinh, kháng viêm có thể giảm tỷ lệ chết. Tuy nhiên, cần phải lấy mẫu thực hiện chẩn đoán phòng thí nghiệm (phi lâm sàng) mới có thể khẳng định được bệnh.

4.2 Chẩn đoán phòng thí nghiệmXét nghiệm tìm virus hoặc xác nhận sự hiện diện của virus PRRS trong các mẫu bệnh phẩm như: phổi, hạch, máu…bằng kỹ thuật RT-PCR, real-time PCR, nuôi cấy virus trên môi trường tế bào. Thông thường nhất, lấy mẫu máu từ 3 – 5 heo đang bệnh gửi đi xét nghiệm để xác nhận sự hiện diện của virus PRRS trong máu.

4.3 Chẩn đoán phân biệt: Triệu chứng lâm sàng ở heo bệnh PRRS có thể bị nhầm lẫn với các bệnh như dịch tả heo, phó thương hàn, bệnh do Actinobacillus pleuropneumoniae thể cấp... Để chẩn đoán phân biệt cần lấy máu của heo bệnh xét nghiệm xác định virus PRRS bằng kỹ thuật RT-PCR.

5. Phòng trị: 

Các biện pháp phòng chống bệnh PRRS cần được thực hiện dựa theo tình hình bệnh và đặc điểm tại trại, về cơ bản có thể chia ra: phòng chống trước khi, trong khi và sau khi xảy ra dịch bệnh PRRS.

5.1 Trước khi có dịch bệnh

- Thiết lập và duy trì tình trạng miễn dịch đồng đều đối với virus PRRS trên heo sinh sản, heo hậu bị. Tiêm vắc-xin phòng bệnh PRRS nhất là ở nhóm heo hậu bị. Thực hiện nghiêm ngặt biện pháp cách ly và  thích nghi heo hậu bị với hệ vi sinh vật của trại trong khoảng 1 - 3 tháng. Khi tiêm phòng vắc-xin PRRS cho heo cần chú ý rằng vắc-xin PRRS nhược độc có thể gây sảy thai, chết thai, chết heo sơ sinh khi tiêm cho heo nái đang mang thai. Vì thế để hạn chế các rủi ro nói trên có thể áp dụng giải pháp sau: Heo nái đang mang thai và trong giai đoạn nuôi con: Tiêm phòng vắc-xin vô hoạt. Heo nái hậu bị: tiêm phòng vắc-xin PRRS nhược độc và cách ly trước phối khoảng 1 - 3 tháng, nghĩa là tiêm phòng vắc-xin cho heo hậu bị khoảng 5 – 6 tháng tuổi và phối cho nái lúc 8 tháng tuổi. Sau thời gian trên có thể nhập nái hậu bị đã được tiêm phòng vào đàn nái sinh sản.

- Ngăn ngừa sự du nhập virus PRRS mới vào đàn. Xét nghiệm định kỳ heo nọc giống, mua tinh và giống heo từ các cơ sở có thực hiện nghiêm ngặt quy trình phòng chống bệnh PRRS, thực hiện đúng quy trình cách ly phòng dịch đối với heo mới nhập về, vệ sinh tiêu độc cẩn thận các phương tiện và người vận chuyển khi vào trong trại... Nếu được nên áp dụng quy trình “cùng vào – cùng ra”.

- Thực hiện nghiêm ngặt và hiệu quả việc tiêu độc - sát trùng bên ngoài và bên trong chuồng trại. Để tăng hiệu quả của việc tiêu độc sát trùng, giảm mật độ vi sinh vật gây bệnh trong chuồng nuôi nên thực hiện như sau: Vệ sinh chuồng trại thường xuyên và cẩn thận, không để tích tụ phân, giữ khô nền chuồng. Thu dọn tất cả các vật dụng, máng ăn, bao tải che gió, lót chuồng...quét sạch mạng nhện, bụi bẩn... phía trong và cả phía ngoài chuồng nuôi. Dọn dẹp sạch cỏ, làm khô khu vực ngoài chuồng... Trong ngày phun thuốc sát trùng, xịt rửa chuồng cẩn thận vào buổi sáng, để khô chuồng và sau đó phun thuốc sát trùng. Thực hiện tiêu độc sát trùng, để trống chuồng tối thiểu khoảng 1 tuần. Sau thời gian trên, chuyển heo tuần tự và tiếp tục làm vệ sinh, tiêu độc sát trùng các chuồng khác... Loại thải heo bệnh, heo yếu, heo còi càng sớm càng tốt nhằm loại trừ nguồn lây nhiễm vi khuẩn, virus gây bệnh.

5.2 Trong thời gian có dịch bệnh

An toàn sinh học

- Vệ sinh sát trùng cẩn thận trong và ngoài chuồng 2 lần / tuần theo quy trình nghiêm ngặt đã được đề cập ở phần trên.

- Hạn chế tối đa sự ra vào của người, các phương tiện vận chuyển.

- Tuyệt đối không xuất, nhập heo.

- Loại thải heo yếu, bệnh, nhỏ, còi.

- Ghép bầy chỉ trong vòng 24 giờ sau khi sanh: Chỉ ghép heo khỏe, bình thường, trong cùng khu chuồng.

- Hạn chế tối đa stress trên heo con: chích thuốc, cắt đuôi, cắt răng...

- Áp dụng «cùng vào - cùng ra», để trống chuồng ít nhất 1 tuần sau khi vệ sinh tiêu độc sát trùng.

Can thiệp thú y điều trị triệu chứng: Bệnh xảy ra ở dạng cấp tính nhưng lại kéo dài cả tuần lễ, vì thế muốn làm giảm thiệt hại cần tiến hành biện pháp can thiệp thú y khẩn cấp nhằm hạ sốt nhanh, hạn chế sự phát triển của vi khuẩn phụ nhiễm và tăng cường nhanh chóng sức đề kháng của heo bệnh cũng như heo chưa bệnh. Hạ sốt khẩn cấp (aspirine, paracetamol, analgine...). Việc hạ sốt khẩn cấp cho heo, nhất là heo nái sẽ giúp hạn chế tỷ lệ chết. Điều lưu ý là trước khi tiêm thuốc hạ sốt nên tắm mát cho heo để tránh tình trạng sốc. Đối với heo nái, nếu heo sốt nhiều, có thể tiêm thuốc hạ sốt cho heo thậm chí 2 lần trong ngày cho đến khi không còn sốt để giúp heo giảm sự suy nhược của cơ thể.

Phòng chống phụ nhiễm các bệnh đường hô hấp. Để thực hiện tốt biện pháp này cần tiến hành đồng bộ những việc sau:

+ Vệ sinh tiêu độc sát trùng nghiêm ngặt.

+ Tiêm kháng sinh phổ rộng trên toàn đàn, tác động hiệu quả đối với vi khuẩn gây bệnh trên đường hô hấp (Streptococcus, tụ huyết trùng, APP, Haemophillus parasuisMycoplasma...), ví dụ như tulathromycin, ceptiofur, florfenicol, nhóm quinolon,…. Cũng có thể sử dụng tiamuline hoặc phối hợp penicilline và streptomycine nếu trại thấy phù hợp với đặc điểm của trại. Sử dụng kháng sinh tác động kéo dài trong 5 – 7 ngày để giảm số lần tiêm và giảm stress trên heo.

+ Tiêm kháng viêm chống viêm phổi, đường hô hấp, hỗ trợ heo nhanh hồi phục.

+ Tăng sức đề kháng tự nhiên bằng vitamin B, C.

+ Tăng cường tiêu hóa bằng các chế phẩm bổ sung enzyme tiêu hóa (amylase, protease...). 

Sau khi dịch bệnh xảy ra: Heo khỏi bệnh có thể mang virus trong cơ thể và bài thải virus ra ngoài trong nhiều tháng (6 đến 9 tháng). Nguy cơ tái phát bệnh PRRS trong các trại đã từng bị bệnh PRRS là rất cao. Các trại cần thực hiện một cách tốt nhất các biện pháp sau:

- Áp dụng nghiêm ngặt an toàn sinh học như trước khi có dịch PRRS. Thực hiện đồng đều miễn dịch trên đàn nái và trên đàn heo sau cai sữa. Chăm sóc tốt cho những nái đã bị nghi nhiễm virus PRRS, thực hiện cách ly phòng chống dịch, tập cho heo hậu bị mới nhập về làm quen với hệ vi sinh vật của trại.

- Tiêm phòng vắc-xin phòng bệnh PRRS khoảng 4 tuần sau khi dịch bệnh PRRS đi qua. Đối với heo nái hậu bị, tiêm phòng khoảng 5 – 6 tháng tuổi và phối giống ở 8 tháng tuổi. Đối với nái, tiêm phòng vắc-xin PRRS khoảng 2 tuần sau khi sinh và cùng lúc tiêm phòng vắc-xin PRRS cho heo con theo mẹ.

- Tăng cường sức đề kháng cho heo con theo mẹ: cho heo con theo mẹ bú đầy đủ sữa đầu. Chú ý chất lượng cám tập ăn sử dụng cho heo con, đảm bảo heo con phát triển tốt.

- Tách biệt khu nuôi heo sau cai sữa – heo thịt và khu nái. Thực hiện “cùng vào – cùng ra” ở từng giai đoạn heo nuôi hoặc từng khu chuồng.

- Tăng cường công tác vệ sinh phòng chống dịch ở tất cả các khu vực, dãy chuồng, bố trí hố sát trùng ở từng khu vực chăn nuôi, dãy chuồng...

- Kiểm tra thường xuyên chất lượng tinh, chỉ mua và sử dụng tinh từ những trại heo giống đảm bảo không bị nhiễm virus PRRS và các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm khác. Giám sát tình trạng nhiễm virus PRRS trong đàn heo. Loại thải ngay lập tức nọc nhiễm virus PRRS.

PGS.TS Nguyễn Ngọc Hải, ĐHNL-TP.HCM. Cố vấn cao cấp VEMEDIM corp.

Thong ke

Gửi tin nhắn qua Zalo