HỘI CHỨNG MỔ CẮN NHAU TRÊN NGAN, VỊT
Trong chăn nuôi, hiện tượng Vịt, Ngan mổ lông, ăn lông xảy ra rất phổ biến. Hiện tượng này có thể gây thiệt hại lớn về tỷ lệ chết, chất lượng thịt và hiệu quả kinh tế nếu không được phát hiện sớm.
1. Biểu hiện
Có thể gọi hiện tượng cắn mổ nhau ở ngan, vịt là hội chứng (do nhiều nguyên nhân khác nhau).
Hiện tượng này thường bắt đầu khi một số con trong đàn mổ lông nhau, cắn xé thậm chí ăn thịt ở một số bộ phận như ngón chân, mào, đuôi hay hậu môn của nhau. Đặc biệt, khi trong đàn có một con có vết thương bị chảy máu, thì cả đàn nuôi sẽ bị kích thích và tập trung vào việc cắn mổ vết thương của con vật đó. Từ đó, dẫn đến việc bùng phát hiện tượng cắn mổ nhau ở trên toàn đàn.
2. Nguyên nhân
Cắn mổ nhau được xác định là do di truyền và do các yếu tố về môi trường và quản lý. Rất khó xác định nguyên nhân nào là chủ yếu, sau đây là những nguyên nhân đã được tổng kết:
- Mật độ nuôi quá cao không đảm bảo.
- Thời tiết nắng nóng bất thường làm cho ngan, vịt bị stress nặng sinh ra cắn mổ nhau.
- Điều kiện chuồng nuôi không thông thoáng, cường độ ánh sáng quá mạnh hoặc quá tối, kéo dài gây ức chế làm kích thích đàn vật nuôi trở nên hung hăng và cắn mổ nhau.
- Do mùi hôi chuồng trại, tồn lưu nhiều khí độc (NH3, H2S), chuồng trại kém vệ sinh.
- Khẩu phần mất cân bằng: thiếu năng lượng, chất xơ, protein, mất cân đối axit amin và thiếu một số chất dinh dưỡng khác như Vitamin, chất khoáng. Đặc biệt trong giai đoạn thay lông, giai đoạn cho năng suất cao.
- Thức ăn, nước uống hoặc không gian của máng ăn bị hạn chế. Ngan,vịt mổ nhau để tranh giành thức ăn, nước uống. Những con yếu rất khó có được thức ăn, lại dễ bị tấn công, chèn ép dẫn đến bị thương.
- Trộn lẫn ngan, vịt, vật nuôi khác có tuổi khác nhau, đặc điểm ngoại hình khác nhau vào chung một đàn, những đặc điểm này kích thích “tính tò mò” của ngan, vịt dẫn đến mổ cắn nhau.
- Trong đàn có những con què, bị tàn tật hay thương tích, những con này vừa là nạn nhân vừa là nhân tố kích thích sự mổ cắn nhau.
Có thể thông qua một số biểu hiện để xác định nguyên nhân gây ra hiện tượng cắn mổ nhau trên ngan, vịt như: Khi thấy ngan, vịt cắn mổ nhau vào thời điểm nhiệt độ trong chuồng tăng cao (thường từ 10h sáng đến 15h chiều), vào sáng sớm và chiều tối hầu như không xảy ra. Khi đó, người nuôi có thể xác định được môi trường và mật độ nuôi là nguyên nhân gây ra.
Còn do dinh dưỡng và thức ăn gây ra thường vào lúc ngan, vịt thay lông, mọc lông hoặc giai đoạn ngan, vịt đẻ rộ. Ngan, vịt có thể cắn mổ nhau trong suốt cả ngày, nhất là lúc nhiệt độ trong chuồng tăng cao, cùng với hiện tượng ngan, vịt có thể cắn mổ trứng.
Trên thực tế, các nguyên nhân có thể xảy ra đan xen cùng lúc với nhau và có thể dẫn đến mức độ thiệt hại cao hơn nếu không được xử lý kịp thời.
3. Khắc phục
Hiện tượng cắn mổ nhau nếu không được phát hiện sớm và khống chế ngay từ đầu thì sau đó rất khó kiểm soát và người nuôi phải trả giá đắt vì ngan, vịt chậm lớn, tỷ lệ chết cao, phẩm chất thịt kém. Cách khắc phục như sau:
- Theo dõi và tiến hành bắt, nhốt riêng những con hay mổ những con khác.
- Gia cầm bị hấp dẫn bởi máu và vết thương, do vậy nhanh chóng bắt nhốt riêng, cách ly những con bị cắn mổ có vết thương hở và bị chảy máu; Đồng thời tiến hành xịt thuốc DERMA-SPAY lên vết thương để chống nhiễm trùng và chăm sóc cho chúng hồi phục.
- Hàng rào của chuồng không được có các vật sắc nhọn làm rụng lông, rách da hay gây các thương tích khác.
- Điều tiết giảm cường độ ánh sáng cho thích hợp, tuân thủ chế độ ánh sáng trong quy trình của từng giống, từng loài nuôi ở từng giai đoạn khác nhau; tạo điều kiện thông thoáng cho chuồng nuôi.
- Có thể bỏ thêm các bó rau xanh vào chuồng cho ngan, vịt ăn để thỏa mãn tập tính tìm kiếm mồi của chúng.
- Đảm bảo đủ nước uống và không gian máng uống, nước uống sạch, không quá lạnh trong mùa rét và quá nóng trong mùa hè. Kiểm tra và cho ăn uống đầy đủ, tránh không để ngan, vịt thiếu nước trong những ngày nhiệt độ cao. Hòa một trong các thuốc sau HAN-LYTEVIT C hoặc UNILYTE VIT-C; THUỐC ĐIỆN GIẢI (Hanvet); NOPTRESS ... cho uống để bổ sung vitamin và điện giải. Nếu nhiệt độ quá cao thì nên pha một chút muối vào trong nước uống cho ngan (liều lượng 5g muối/lít nước).
- Vệ sinh chuồng trại sạch sẽ, sử dụng các biện pháp để tránh có mùi hôi, khí độc trong chuồng trại.
- Kiểm soát các khẩu phần ăn, các khẩu phần phải đáp ứng đầy đủ nhu cầu dinh dưỡng theo với tuổi và giống. Hàm lượng protein, axit amin, tỷ lệ cân đối giữa các axit amin với nhau, tỷ lệ lysine so với năng lượng, hàm lượng chất khoáng đại lượng và vi lượng, hàm lượng các vitamin A, D, E, K và vitamin nhóm B là những chỉ tiêu dinh dưỡng quan trọng cần được kiểm soát.
- Khẩn trương bổ sung khoáng chất thiết yếu và cân bằng chúng cho phù hợp, dùng các một trong thuốc: HAN-CALPHOS, MEBI-CALCIPHOS, BIO- CALPHOS...
- Bổ sung thêm thuốc bổ và vitamin, dùng một trong các thuốc sau: PERMASOL 500; HAN-TOPHAN; HAN - GOODWAY...
- Tiến hành mài mỏ nhằm hạn chế tình trạng cắn mổ nhau.
Chú ý: mài mỏ vào những hôm trời mát, mùa nóng chỉ nên làm vào buổi sáng sớm, chiều tối. Hòa HANVIT-K&C cho uống 2 ngày trước và 3 ngày sau khi cắt mỏ. Tránh tiêm phòng hay gây những stress khác 1 tuần trước và 2 tuần sau khi cắt mỏ.
Lưu ý: Tiến hành mài mỏ ở 15-20 ngày tuổi. Lần 2: 45-50 ngày tuổi, cắt 2/3 phần cặp xuống của mỏ trên.
Cắn mổ nhau là một hiện tượng phổ biến trong chăn nuôi gia cầm tập trung, hiện tượng này có thể xảy ra ngay cả khi đàn gia cầm được quản lý tốt. Tuy nhiên những biện pháp ngăn ngừa trên được đặt ra một cách chặt chẽ và nghiêm túc thì sẽ hạn chế được nó.