TT Phân Phối Thuốc Trang Trại FARMVET : X Kim Anh- H Kim Thành- T Hải Dương- GPKD số: 04F8000473- MST: 0800307128

Tư vấn kỹ thuật : 0977565565 | 8h – 19h00 ( Từ Thứ Hai  đến Thứ Bảy )

BỆNH VIÊM GAN VIRUS THỂ VÙI TRÊN GÀ

16/12/2019 | Nguyễn Hằng
Ngày nay trong chăn nuôi gà siêu thịt, hiện tượng da gà ở những chỗ không có lông phần bụng, gần hậu môn biến từ màu đặc trưng của giống chuyển sang màu xanh xám tím kèm theo gà bị bại chân, yếu dần rồi chết rất thường gặp. Đó là những biểu hiện điển hình của viêm gan virus.
Bệnh viêm gan virus là một bệnh truyền nhiễm mới được phát hiện do Adenovirus gây ra. Bệnh có tên khoa học là Hepatitis Avium.- tức là viêm gan thể vùi- viết tắt IBH, đặc trưng với các bệnh chứng thiếu máu, xuất huyết và viêm gan.
1. Nguyên nhân
Adenovirus có 3 chủng gây bệnh ở gà:
+ Chủng 1: là căn nguyên gây các bệnh
- Bệnh viêm đường hô hấp nhẹ
- Bệnh viêm gan thể vùi.
- Bệnh Angara (bệnh gây viêm gan kèm theo tích nước bao tim).
+ Chủng 2: gây vệnh viêm ruột chảy máu ở gà Tây.
+ Chủng 3: bệnh sụt trứng, giảm đẻ ở gà- EDS.
Do nhiều lý do khác nhau về cách nhìn bệnh, các nhà khoa học hiện nay đang gộp bệnh viêm gan thể vùi và bệnh Angara thành chung 1 bệnh gọi là viêm gan virus gà (virus hepatitis gallinarum).
2. Đặc điểm dịch tễ
Bệnh thường thấy ở gà từ 1- 20 tuần tuổi và nặng nhất là gà từ 2- 6 tuần.
Bệnh có tính thời vụ rõ rệt, thường xuất hiện chủ yếu và mùa hè.
Tất cả các giống gia cầm đều có thể mắc bệnh.
Bệnh do Adenovirus gây ra, song tỷ lệ mắc bệnh không cao lắm, chỉ khoảng 20- 30% trên tổng dàn, trong đó tỷ lệ chết thường ở mức 1- 10%. Nếu bị ghép với các bệnh khác tỷ lệ chết có thể là 20- 30% hoặc cao hơn.
Mầm bệnh Adenovirus thâm nhập vào cơ thể chủ yếu qua đường miệng và đường hô hấp.
Đường lây truyền
- Truyền dọc từ mẹ sang con qua phôi trứng.
- Truyền ngang qua đường ăn uống, hô hấp.
3. Triệu chứng
Bệnh xảy ra hết sức đột ngột, diễn biến nhanh, gà chết tăng nhanh, nhưng chỉ sau 5- 7 ngày đàn gà trở lại khỏe mạnh bình thường theo sơ đồ hình chuông hoặc Parapol.
Bên cạnh những gà có biểu hiện lâm sàng và bệnh lý thì phần đông số gà còn lại vẫn ăn uống, khỏe mạnh bình thường.
Các biểu hiện lâm sàng thường không đặc trưng, ủ rũ, xù lông, rụt cổ, lười đi lại, chết nhanh hoặc khỏe nhanh, bệnh đi vào thể ẩn, gà bệnh trở nên mang trùng.
4. Bệnh tích
Ngược lại với các biểu hiện lâm sàng thì bức tranh bệnh tích lại rất rõ ràng, đặc trưng:
- Màu sắc cơ đùi, cơ ngực nhợt nhạt như thịt luộc luôn kèm theo các vệt hoặc mảng xuất huyết giống như bệnh Gumboro, song màu sắc cơ trong bệnh Gumboro không bị nhợt nhạt như ở viêm gan,
- Lách teo quắt lại.
- Gan sưng to dễ vỡ và có nhiều điểm xuất huyết hoặc hoại tử ở ngay dưới màng gan.

- Hai ống dẫn nước tiểu chứa đầy urat trắng.
- Túi Fabricius sưng mọng to hoặc teo quắt.
- Tim bơi trong bao nước thẩm xuất đặc, màu hơi vàng.

- Tủy xương nhợt nhạt có màu vàng xám, chức năng tạo máu giảm.
5. Chẩn đoán 
Dễ dàng chẩn đoán bệnh bằng phương pháp mổ khám nghiệm bệnh tích hoặc thấy virus trong nhân tế bào gan khi làm tiêu bản vi thể, nếu khó khăn thì tiến hành phân lập virus.
Lưu ý: Chẩn đoán phân biệt
- Gumboro
Viêm gan gà có xuất huyết cơ đùi, cơ ngực giống như bệnh Gumboro nhưng màu sắc cơ ở bệnh viêm gan gà nhạt như thịt luộc, còn bệnh Gumboro không có các biến đổi ở gan, thận, tim.
- Tụ huyết trùng
Tích nước bao tim ở bệnh viêm gan rất giống như ở bệnh tụ huyết trùng. Song ở bệnh viêm gan còn có những biến đổi đặc trưng khác với bệnh tụ huyết trùng như: cơ đùi, cơ ngực bị biến màu như thịt luộc. Thận bị viêm sưng mọng, tích nước và urat. Hai ống dẫn tiểu chứa đầy urat trắng.
6. Phòng trị bệnh
Chưa có vacxin phòng bệnh.
Không được lấy trứng gà đã bị bệnh để ấp nở nhân giống.
Đẩy mạnh kiểm soát an toàn sinh học.
Chú trọng tiêm phòng Gumboro và Marek là góp phần quan trọng làm giảm mức độ phát triển bệnh viêm gan. Nếu bệnh này xảy ra thì tốt nhất tiêu hủy đàn gà bằng cách luộc chín hoặc thiêu đốt, sau đó phải khử trùng, tiêu độc dụng cụ, thiết bị, chuồng trại chăn nuôi, đặc biệt xử lý chất thải cần thận.
(Theo PGS-TS LÊ VĂN NĂM)
Thong ke

Gửi tin nhắn qua Zalo