TT Phân Phối Thuốc Trang Trại FARMVET : X Kim Anh- H Kim Thành- T Hải Dương- GPKD số: 04F8000473- MST: 0800307128

Tư vấn kỹ thuật : 0977565565 | 8h – 19h00 ( Từ Thứ Hai  đến Thứ Bảy )

BỆNH DỊCH TẢ VỊT

15/06/2019 | Admin
Dịch tả là loại bệnh truyền nhiễm cấp tính do một loại virus lây lan nhanh trên vịt. Bệnh gây thiệt hại lớn do tỷ lệ chết cao và làm giảm sản lượng trứng nếu không xử lý kịp thời và đúng cách.

Nguyên nhân gây bệnh

Bệnh dịch tả vịt (DTV) do virus họ Herpesvirus, thuộc bộ Alpha herpesvirus gây nên, có cấu trúc AND và phát triển trong nhân tế bào Cowdry type A. Giữa các chủng virus có sự khác nhau về động lực. Mầm bệnh có thể tồn tại trong cơ thể vịt ở gan, lách, dịch tiết, máu tim. Khi vịt bị bệnh, mầm bệnh được bài xuất ra ngoài theo phân và các dịch thẩm khác ở miệng, mũi. Mầm bệnh tồn tại và lây lan bệnh thông qua môi trường trong nền chuồng, sân chơi, bãi chăn thả …

Bệnh có thể lây lan do: Tiếp xúc trực tiếp với gia cầm bệnh; lây gián tiếp qua đường tiêu hóa hoặc qua đường hô hấp; hoặc lây lan qua đường truyền dọc. Vật có thể mắc bệnh ở mọi lứa tuổi, từ 7 ngày tuổi đến lúc trưởng thành. Bệnh thường xảy ra vào mùa hè và thường ghép với bệnh viêm hoại tử gan làm vịt chết nhanh và nhiều. Ở ĐBSCL bệnh thường xảy ra nhiều nhất vào tháng 3 đến tháng 7 hàng năm. Bệnh gây tỷ lệ chết rất cao 30 - 90%.  Bệnh xảy ra ở hầu hết các nước chăn nuôi vịt phát triển.

Triệu chứng

Bệnh xảy ra ở vịt nhiều nhất từ 15 ngày tuổi trở đi. Thời gian ủ bệnh 3 - 7 ngày. Ban đầu vịt có triệu chứng bỏ ăn, ít vận động và không muốn xuống nước. Mí mắt sưng, dính; niêm mạc mắt đỏ; có tiếng thở khò khè; chảy nước mũi; khát nước, xù lông. Vùng đầu, cổ bị sưng, khi sờ thấy mềm, hầu và cổ cũng có thể bị sưng do tổ chức dưới da bị phù thũng.

Sau 2 - 3 ngày bị bệnh, vịt uống nhiều nước, sau 3 - 4 ngày thấy vịt đi ỉa chảy nhiều, phân loãng, màu trắng, mùi hôi thối, phân dính bết ở hậu môn. Vịt gầy, hai chân bị liệt, cánh bị liệt sệ xuống. Vịt chết chảy máu ở các lỗ tự nhiên. Sau khi xuất hiện triệu chứng, con vật chết trong vòng 1 - 5 ngày, vịt chết nhanh, đột ngột, tỷ lệ chết 5 - 100%; tỷ lệ đẻ giảm 25 - 40%; vịt trống bị sa dịch hoàn. Tỷ lệ vịt ốm tùy thuộc vào độ tuổi, giới tính và độc lực của virus.

Bệnh tích

Đặc trưng của bệnh là thành mạch bị tổn thương, xuất huyết cơ quan, niêm mạc đường tiêu hóa bị phá hủy, bệnh tích ở các cơ quan lympho. Trong đó, gồm các bệnh tích: Xác chết gầy; Các tổ chức liên kết dưới da xuất huyết, thấm dịch và kéo nhày; đầu và cổ vịt bị viêm thủy thũng, tích dịch;  Phế quản viêm, xuất huyết, tụ máu, thực quản xuất huyết lấm tấm tạo thành vệt dài và có màng giả một phần hay toàn bộ dọc theo nếp gấp của thực quản; xoang bao tim tích nước; phổi viêm, tụ máu; gan tụ máu xuất huyết, có hoại tử nhỏ; lách sưng, tụ máu hoặc xuất huyết; túi mật căng, sưng, dịch mật loãng; thận bị tụ máu nặng; niêm mạc ruột bị tụ máu nặng, ruột có điểm xuất huyết lấm tấm hay xuất huyết mảng, đôi khi bị loét và có màng giả; dạ dày tuyến, dạ dày cơ xuất huyết; buồng trứng có xuất huyết, có nhiều trứng non bị vỡ và dị hình; màng não viêm; xuất huyết.

Phòng bệnh

Vệ sinh phòng bệnh: Xây dựng chuồng trại phải khô ráo, thoáng mát; diện tích chuồng nuôi phải phù hợp; phải có chuồng nuôi cách ly đàn vịt mới nuôi hoặc đàn vịt ốm; Thường xuyên vệ sinh, tiêu độc khử trùng khu vực chuồng nuôi, dụng cụ chuồng nuôi; định kỳ tiến hành sát trùng toàn bộ chuồng nuôi, ngâm dụng cụ chăn nuôi bằng thuốc sát trùng như Povidine 10%, chlorine… Nên để trống chuồng trước khi nhập lứa mới ít nhất 10 - 15 ngày. Phải nhập con giống khỏe mạnh, có nguồn gốc rõ ràng từ các cơ sở uy tín, chất lượng, có giấy kiểm dịch của cơ quan thú y cấp; vịt mới mua về phải để cách ly 15 ngày để kiểm tra, theo dõi.

Quản lý, chăm sóc: nuôi vịt với mật độ thích hợp; cho vịt ăn uống đầy đủ dưỡng chất đảm bảo vệ sinh; thường xuyên bổ sung vitamin, men tiêu hóa, kháng chất… để tăng cường sức đề kháng cho vịt nuôi.

Tiêm phòng vaccine: Do bệnh không có thuốc điều trị đặc hiệu, vì vậy biện pháp mang lại hiệu quả nhất chính là tiêm phòng vaccinedịch tả vịt. Vaccine được pha loãng với nước sinh lý vô trùng đã được làm mát sao cho 0,5 ml dung dịch tiêm chứa 1 liều vaccine, tiêm dưới da hoặc cơ ngực của vịt. Tiêm cho vịt con lúc 7 ngày tuổi và nhắc lại sau 3 tuần

Tuy nhiên, vaccine không có hiệu quả bảo vệ đối với vịt đang ủ bệnh hoặc đàn vịt có các dấu hiệu của bệnh và có trên 50% vịt bị chết...  

Điều trị

Hiện không có thuốc chữa trị đặc hiệu. Khi đàn vịt bị bệnh, cần phải tiến hành nuôi nhốt để cách ly mầm bệnh; thu gom, tiêu hủy ngay các con vịt ốm, chết; tiến hành vệ sinh chuồng trại, thu gom phân rác để ủ hoặc chôn; phun thuốc sát trùng chuồng trại, tẩy uế, sát trùng toàn bộ dụng cụ chăn nuôi; báo cho cơ quan thú y địa phương để biết các biện pháp phòng chống. Khi đàn vịt bị bệnh, có thể can thiệp vaccine trực tiếp vào ổ dịch với liều gấp 2 lần bình thường. Sau 7 - 8 ngày những con vịt mang mầm bệnh sẽ chết, những con chưa nhiễm bệnh sẽ có miễn dịch có khả năng chống lại bệnh. Những con vịt qua khỏi chỉ nuôi làm vịt thịt, không dùng làm giống. Đồng thời bổ sung đường Gluco, điện giải (B-Complex với liều 2 g/l nước), men tiêu hóa, bổ gan (dùng sorbitol liều 2 g/l nước cho uống) nhằm tăng khả năng đào thải chất độc và tăng sức đề kháng cho vịt nuôi.

 

Thong ke

Gửi tin nhắn qua Zalo