TT Phân Phối Thuốc Trang Trại FARMVET : X Kim Anh- H Kim Thành- T Hải Dương- GPKD số: 04F8000473- MST: 0800307128

Tư vấn kỹ thuật : 0977565565 | 8h – 19h00 ( Từ Thứ Hai  đến Thứ Bảy )

BỆNH NGHỆ TRÊN HEO

17/10/2019 | Nguyễn Hằng

Bệnh lợn nghệ (Leptospirosis) gây ra do xoắn khuẩn Leptospira spp với những triệu chứng đặc trưng như: sốt cao cách quãng, viêm não màng não, tổn thương gan nặng nề, vàng da và chết ở lợn con, sảy thai hoặc đẻ non ở lợn nái. Bệnh có mặt khắp các nước trên thế giới.

1. Nguyên nhân và cách gây bệnh

Leptospira spp là loại xoắn khuẩn nhỏ, dài 10 µm, đường kính 0,2  µm, gây bệnh ở lợn, trâu, bò, chó, mèo, chuột và cả người. Có nhiều chủng Leptospira spp gây bệnh, nhưng quan trọng nhất với lợn ở Việt Nam là: L.canicoli, L.icterrohaemorrhagiae, L.grippotypho, L.pomana, L.bratislava, L.tarassovi, L.mitis, L.australis.

Xoắn khuẩn gây bệnh hủy hoại gan, phá hủy hồng cầu nên sinh vàng các mô và dễ quan sát là các niêm mạc hở và da. Bệnh lây chủ yếu do chuột bệnh thải xoắn khuẩn theo nước tiểu gây ô nhiễm môi trường.

Xoắn khuẩn Leptospira in vitro rất mẫn cảm với các kháng sinh như Penicillin và Streptomycin và với các chất sát trùng, chất tẩy uế, thuốc tẩy rửa, xà phòng, bột giặt. Đặc biệt bị tiêu diệt nhanh chóng trong điều kiện khô, nhưng ở trong nước, nó sống và tồn tại hàng tuần.

Bệnh lây qua đường miệng, qua thức ăn, nước uống, tiếp xúc trực tiếp qua vết xước trên da, niêm mạc hoặc qua đường sinh dục. Xoắn khuẩn tăng sinh và xâm nhập máu, gây bại huyết, hủy hoại gan, thận dẫn đến vàng da. Với động vật chửa, xoắn khuẩn xâm nhập dạ con vào bào thai và gây chết thai, sẩy thai. Độc tố của xoắn khuẩn gây tổn thương hệ thần kinh trung ương và gây bệnh viêm não, viêm màng não.

Xoắn khuẩn có thể thải qua đường nước tiểu hàng tháng sau khi con vật đã khỏi bệnh lâm sàng.

2. Triệu chứng

Có 3 thể của bệnh  Leptospirosis: Thể á lâm sàng, thể cấp tính và á cấp tính, thể rối loạn sinh sản.

- Thể á lâm sàng

Triệu chứng lâm sàng ít thấy hoặc khó phát hiện, nhưng khi xét nghiệm huyết thanh học thì tỷ lệ dương tính phổ biến, có khi bị cả đàn, nhất là lợn vỗ béo và lợn hậu bị. Xoắn khuẩn  Leptospirae dễ phân lập được từ nước tiểu hoặc đường sinh dục từ con vật ốm.

- Thể cấp và á cấp tính

Lúc đầu, lợn bỏ ăn, nằm một chỗ, sốt nhẹ 40 - 40,5ºC và thân nhiệt lên xuống ngắt quãng 3 - 5 ngày, ỉa chảy, nhưng không có triệu chứng của vàng da hay nước đái đỏ máu. Sau đó, xuất hiện triệu chứng nặng điển hình của vàng da, đái ra máu, xuất huyết và triệu chứng thần kinh, quỵ nửa thân sau, viêm màng não, run rẩy, phù đầu, mắt nặng... tỷ lệ chết cao. Nếu lợn chửa thì bị sảy thai, lợn đực bao dương vật sưng to, lợn gầy rộc do bệnh kéo dài.

- Thể rối loạn sinh sản

Sẩy thai, hay chết lưu thai, tỷ lệ con sơ sinh chết cao cùng với sốt, mất sữa và vàng da ở lợn nái. Sẩy thai sau khi nhiễm vi khuẩn 4 - 7 ngày.

3. Bệnh tích

- Lợn chết cấp tính thường có da màu vàng, xuất huyết tràn lan. Gan, thận, lách sưng to, thoái hóa. Mỡ màu vàng nghệ và có mùi khét đặc trưng

- Lợn chết thể á cấp tính xác gầy rạc, da vàng, hoại tử từng đám. Gan sưng to, màu đất thó, có nhiều điểm hoại tử. Thận sưng và nhạt màu. Phổi thủy thũng, cơ tim mềm nhão.

- Viêm tử cung, nếu viêm mãn tính có thể có mùi thối. Sẩy thai. Bào thai vừa sảy thai thường có xuất huyết điểm trên da khắp cơ thể, xuất huyết ở thận, phổi, gan.

4. Chẩn đoán

Dựa vào các triệu chứng lâm sàng: sảy thai ở giai đoạn cuối của thai kỳ, lợn nái khó thụ thai, nhiều dịch âm đạo, lợn con sơ sinh yếu; Lợn bệnh sốt với triệu chứng vàng da và các niêm mạc hở ; Lợn chết chủ yếu là lợn cai sữa đến 5-10 tuần tuổi.

Bệnh tích điển hình tập trung ở thận, gan và lách.

5. Phòng bệnh

Vệ sinh phòng dịch, tiêu diệt chuột nhất là khi có dịch xảy ra thì chuột là nguồn lây bệnh nguy hiểm nhất.

Tiêm phòng vaccin cho lợn nái phòng sảy thai. Tiêm Vaccine Leptospira do Việt Nam sản xuất lúc lợn được 4 và 10 tháng tuổi. Mỗi đợt tiêm 2 lần cách nhau một tuần.

Lợn con cần được tiêm phòng đón đầu thời kỳ 6 - 10 tuần tuổi.

6. Điều trị

Chuẩn đoán sớm, can thiệp kịp thời sẽ cho hiệu quả cao.

Đặc trị bệnh này là các kháng sinh nhóm Penicillin, Streptomycin, các chế phẩm chứa Tylosin, Tiamulin:

- AmTyO của Hanvet           0,7 - 1ml/10kg thể trọng.

- STEPEN LA                       1ml/10kg thể trọng.

- PENDISTREP LA             1ml/10kg thể trọng.

- BIO TIAMULIN 10%       1ml/10kg thể trọng.

- Hanoxylin LA                     1ml/10kg thể trọng.

- HANFLOR LA                   1ml/10kg thể trọng.

Điều trị liên tục 5-7 ngày.

Kết hợp các thuốc trợ lực: B-complex, ADE, Bio - Metasal

 

 

Thong ke

Gửi tin nhắn qua Zalo