TT Phân Phối Thuốc Trang Trại FARMVET : X Kim Anh- H Kim Thành- T Hải Dương- GPKD số: 04F8000473- MST: 0800307128
Tư vấn kỹ thuật : 0977565565 | 8h – 19h00 ( Từ Thứ Hai đến Thứ Bảy )
Trong thời gian gần đây, bệnh Dịch tả heo châu Phi xảy ra trên diện rộng với những diễn biến phức tạp khó lường, gây thiệt hại nghiêm trọng cho người chăn nuôi. Người chăn nuôi cần nắm rõ các đặc điểm của bệnh để kịp thời ứng phó với đàn heo nhà mình khi có dấu hiệu của bệnh dịch xảy ra.
1. Một số đặc điểm cơ bản của bệnh DTHCP
- DTHCP là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm do vi rút gây ra; vi rút chỉ gây bệnh cho heo, không gây bệnh cho người và các loại vật nuôi khác;
- Vi rút có sức đề kháng cao trong môi trường. Sau khi khỏi bệnh lâm sàng, heo vẫn có khả năng mang vi-rút trong thời gian dài và có thể trở thành vật chủ mang trùng suốt đời. Do đó, nếu để xảy ra bệnh thì sẽ rất khó loại trừ được mầm bệnh;
- Bệnh xảy ra ở mọi lứa tuổi, mọi loài heo. Bệnh gây thiệt hại nghiêm trọng với tỷ lệ chết cao lên đến 100%.
- Hiện nay chưa có vắc xin và thuốc điều trị đặc hiệu bệnh DTHCP.
2. Đường truyền lây của bệnh DTHCP
Khác với một số bệnh truyền nhiễm nguy hiểm như Lở mồm long móng, Tai xanh, Cúm gia cầm (bệnh lây lan nhanh qua không khí), bệnh DTHCP lây lan chủ yếu do hành vi của con người, cụ thể:
- Khoảng 46% bệnh lây lan là do phương tiện vận chuyển (xe vận chuyển heo, thịt heo) và con người (thương lái, người nuôi heo, nhân viên Thú y, công nhân giết mổ heo…);
- Khoảng 34% bệnh lây lan là do sử dụng thức ăn thừa của người để cho heo ăn nhưng chưa qua xử lý nhiệt (nấu chín);
- Khoảng 19% bệnh lây lan do vận chuyển heo, sản phẩm heo nhiễm bệnh từ vùng bị dịch sang các vùng khác.
Do đó biện pháp ngăn chặn không cho vận chuyển heo, sản phẩm heo bệnh (chủ yếu là thịt heo) ra khỏi vùng dịch là giải pháp rất quan trọng để DTHCP không lây lan rộng sang các địa phương khác. Và thực hiện chăn nuôi an toàn sinh học, đặc biệt là không cho thương lái vào chuồng heo, vệ sinh sát trùng thật kỹ xe tới bắt heo nhằm ngăn chặn mầm bệnh xâm nhập vào khu vực chăn nuôi có ý nghĩa cực kỳ quan trọng để bảo vệ đàn heo trước nguy cơ bị bệnh DTHCP.
3. Biểu hiện khi heo bị bệnh DTHCP
Heo bị bệnh DTHCP, tùy theo độc lực vi rút và sức đề kháng của đàn heo mà bệnh có thể biều hiện ở các thể: Thể quá cấp, cấp tính, á cấp tính và thể mãn tính. Vì bệnh DTHCP là bệnh mới lần đầu xuất hiện tại nước ta, do đó đại đa số heo bệnh ở thể quá cấp và cấp tính với thời gian ủ bệnh từ 3-15 ngày, ở thể cấp tính thời gian ủ bệnh chỉ từ 3-4 ngày, tỷ lệ chết cao lên đến 100% với những biểu hiện như sau:
- Thể quá cấp tinh: Heo chết nhanh, không biểu hiện triệu chứng lâm sàng hoặc heo sẽ nằm và sốt cao trước khi chết.
- Thể cấp tính:
+ Heo sốt cao (40,5- 42°C). Trong 2-3 ngày đầu tiên heo không ăn, lười vận động, ủ rũ, nằm chồng đống lên nhau.
+ Heo có biểu hiện đau vùng bụng, lưng cong, di chuyển bất thường. Một số vùng da ửng đỏ, đặc biệt là ở vành tai, đuôi, cẳng chân, da phần dưới vùng ngực và bụng có màu sẫm xanh tím.
+ Heo có khi ỉa ra máu. Heo nái mang thai có thể sẩy thai ở mọi giai đoạn.
+ Tốc độ lây lan chậm trong đàn (heo bệnh và chết rải rác trong nhiều ngày) nhưng tỷ lệ chết rất cao nhất là đối heo thịt lớn và heo nái.
4. Mổ khám bệnh tích
- Các hạch viêm, xuất huyết nhất là hạch màng treo ruột;
- Lá lách sưng to, nhồi huyết. Thận có xuất huyết điểm. Dạ dày, bàng quang xuất huyết; Túi mật sưng to.
- Có nhiều nước trong xoang bao tim và trong xoang ngực hoặc xoang bụng.
Do vi rút DTHCP có sức đề kháng cao ngoài môi trường, do đó để đề phòng vi rút DTHCP phát tán ra môi trường cần hạn chế mổ khám bệnh tích. Khi nghi ngờ heo bị DTHCP cần báo ngay cho cơ quan Thú y để cử cán bộ tới chẩn đoán, lấy mẫu xét nghiệm theo quy định của Cục Thú y.
5. Phân biệt triệu chứng bệnh DTHCP và bệnh Tai xanh (PRRS) trên heo.
Biểu hiện của heo mắc bệnh tai xanh rất giống với bệnh dịch tả lợn châu phi.
- Mẩn đỏ.
- Thâm tím thâm, lây lan, tím tai, tím mõm.
Triệu chứng phân biệt:
- Heo mắc bệnh tai xanh:
+ Heo sốt không quá 41°C ( kể cả trong trường hợp heo ghép bệnh do vi khuẩn).
+ Heo bữa ăn bữa bỏ kéo dài từ 7-14 ngày.
+ Ngoài những biểu hiện xuất huyết trên cơ thể, heo bị sưng phù mí mắt, tím mí mắt, nhìn xa giống lợn đeo kính dâm.
- Heo mắc bệnh DTHCP
+ Heo sốt trên 41,5°C.
+ Trong quá trình ủ bệnh heo sốt cao nhưng vẫn ăn uống bình thường đánh lừa người chăn nuôi. Khi heo phát bệnh ra những biểu hiện xuất huyết bên ngoài, heo bỏ ăn hoàn toàn. Có cảm giác đau đớn khi tiểu tiện, đại tiện, đứng lên, ngồi xuống.
+ Heo không bị sưng phù mí mắt, tím mí mắt như Tai xanh.
Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, người chăn nuôi cần bình tĩnh, không bán tháo đàn heo gây thiệt hại kinh tế, cần tăng cường chăn nuôi an toàn sinh học; tập trung nuôi dưỡng, chăm sóc để vật nuôi tăng sức đề kháng bệnh; thường xuyên thực hiện vệ sinh sát trùng chuồng trại; tăng cường theo dõi, giám sát đàn heo để phát hiện dịch bệnh sớm và có biện pháp xử lý kịp thời. Đồng thời, người chăn nuôi cũng cần thận trọng trong việc tăng đàn, tái đàn trong giai đoạn này để tránh nguy cơ thiệt hại do dịch bệnh.
X Kim Anh- H Kim Thành- T Hải Dương- GPKD số: 04F8000473- MST: 0800307128
Hotline: 0977565565
Chúng tôi sẽ gửi tất cả các thông tin khuyến mại và chương trình giảm giá của thuoctrangtrai.com đến bạn !
Copyright © 2019 Thuốc thú y. All right reserved - Designed by: https://thuoctrangtrai.com/