BỆNH NẤM PHỔI TRÊN GÀ ĐÁ
Do nấm Aspergillus fumigatus gây ra, đôi khi có thể do nấm A. flavus.
Đây là một bệnh truyền nhiễm cấp tính của gà con, bệnh số và tử số cao.
Đặc trưng của bệnh là hình thành các u nấm màu vàng xám ở phổi và thành các túi khí, làm cho gà rối loạn hô hấp và chết với tỷ lệ cao.
Lứa tuổi cảm thụ từ 1-3 tuần tuổi, tuy nhiên có đôi khi gặp những trường hợp lúc 6-7 tuần tuổi.
1. Đường truyền lây
Chủ yếu qua đường hô hấp, bào tử được phát tán khắp nơi chủ yếu từ chất độn chuồng, nền chuồng, từ thức ăn bị nhiễm nấm, … gà hít phải các bào tử này và bị nhiễm bệnh.
Ngoài ra bệnh còn có thể lây qua đường tiêu hoá.
2. Cơ chế sinh bệnh
Bào tử nấm xâm nhập vào niêm mạc hô hấp hoặc tiêu hoá, sau đó theo máu đến địa điểm ký sinh và nẩy mầm tạo thành sợi nấm, tạo những u nấm to nhỏ màu trắng xám, hay màu vàng ở phổi hoặc thành các túi khí hoặc một số cơ quan khác.
Trong quá trình sinh sản các tế bào nấm sẽ sản xuất ra các sản phẩm trao đổi chất, đó là các men phân giải protein, nó phá hoại mô bào và đó cũng là ngoại độc tố gây nhiễm độc huyết, làm con vật xuất hiện triệu chứng trúng độc toàn thân và chết.
3. Triệu chứng
- Thời gian nung bệnh 3-10 ngày.
- Thể cấp thường thấy ở gà con từ 1-3 tuần tuổi, tỷ lệ chết khoảng từ 50-80%.
- Thể mãn thường thấy ở gà lớn, tỷ lệ mắc bệnh và tỷ lệ chết thấp.
a, Thể cấp tính
- Lúc đầu gà có triệu chứng như uể oải, mắt lim dim, chán ăn, khát nước, chân khô, khô mỏ thường đứng riêng hay nằm một chỗ, gà khó thở, ngáp nhịp thở nhanh, vươn đầu dài há mồm thở.
- Gà ốm đi nhanh chóng, tiêu chảy ở giai đoạn sau, từ mắt và mũi chảy ra chất dịch nhớt trông giống như huyết thanh, sau đó kiệt sức và chết, trước khi chết có co giật do trúng độc tố nấm ảnh hưởng đến thần kinh.
- Tỷ lệ chết bắt đầu từ ngày tuổi thứ 5, đỉnh cao lúc 15 ngày tuổi, những con nhiễm nặng chết trong vòng 24 giờ.
b, Thể mãn tính
- Bệnh nhẹ ít chết, thở khó kéo dài, ốm yếu, mào yếm nhợt nhạt, có thể chết do ngộ độc mãn.
4. Bệnh tích
- Khi gà mắc bệnh phổi, màng phổi, khí quản và thành túi khí có những hạt lấm tấm màu vàng, xanh xám có kích cỡ bằng đầu đinh ghim, hạt đỗ, bấm thấy cứng và dai, tách ra rất dễ dàng, đó chính là các ổ nấm.
- Nếu bệnh nặng, cắt phổi thấy hạt nấm lan hết các phế nang, phế quản làm phổi đặc, chắc, khi thả xuống nước, phổi lơ lửng.
- Nhiều trường hợp, từ các ổ nấm này phát triển sang thanh quản, gan, ruột, não, thậm chí cả ở mắt và kế phát vi khuẩn gây viêm.
- U nấm chia làm hai thể:
U hạt có giới hạn rõ ràng, nổi rõ trên bề mặt tổ chức, thường thấy ở thể cấp.
U lan tràn thì không thể đếm được, u không có giới hạn, mọc khắp các tổ chức, thường gặp ở thể mãn tính
a, Thể cấp tính
- Phổi viêm có thể có những vùng gan hoá, phù và tụ máu đỏ, thỉnh thoảng có những đám hoại tử, niêm mạc khí quản xung huyết có nhiều dịch nhờn.
b, Thể mãn tính
- Thành túi khí dày, xoang túi khí hẹp chứa nhiều mủ và fibrin tạo thành từng đám màu ghi vàng, ngoài ra còn có những hạt nấm mọc ở gan, lách, tim, phúc mạc, màng treo ruột.
- Niêm mạc dạ dày và ruột viêm đỏ.
6, Chẩn đoán phân biệt
Cần chẩn đoán phân biệt với một số bệnh đường hô hấp khác.
- Nấm phổi thở khó nhưng không có tiếng động, không chảy nước mũi như ở một số bệnh đường hô hấp khác (IB, ILT, ORT, CRD,...).
- Tiếng thở của bệnh viêm phế quản ( IB ) và bệnh viêm thanh khí quản ( ILT ) là gà thở khó và có tiếng ồn, có tiếng khò khè và tiếng ọt.
- Bệnh thương hàn: phổi có nốt trắng nhưng đó là nốt hoại tử, ngoài ra còn hoại tử ở gan và lách
7. Phòng và điều trị
a, Điều trị:
Bước 1: Vệ sinh
- Dọn vệ sinh chuồng nuôi, rửa sạch các máng ăn, máng uống, đảm bảo chuồng nuôi thông thoáng, sạch sẽ.
- Kết hợp phun thuốc sát trùng bằng một trong các hóa chất: BIOXIDE, HAN-IODIN 10%... để tiêu diệt mầm bệnh bên ngoài môi trường, định kỳ 3 ngày một lần.
Bước 2: Dùng thuốc đặc trị.
- Không dùng kháng sinh có nguồn gốc từ nấm như Penicillin, Streptomycin …
- Dùng thuốc sau để điều trị:
*ECO NISTATIN: 1g/20kg thể trọng.
Bước 3: Tăng cường sức đề kháng
* Sử dụng các thuốc Vitamin tổng hợp, khoáng, acid amin thiết yếu giúp tăng sức đề kháng cho gà sau: EFFERVITA-AMINO + CATOVET INJ + NEOLIFE…
* Sử dụng thuốc giải độc gan thận: HAN-SOBITOL, BIO- SORBITOL +B12 …
Bước 4: Tăng cường sức sau điều trị bệnh
- Bổ sung thuốc bổ HAN – GOODWAY; HAN – TOPHAN; EFFERVITA-AMINO và men tiêu hóa NEOLIFE để tăng lực, tăng miễn dịch, vỗ béo gà, bổ sung men vi sinh có lợi sau quá trình điều trị thuốc lâu ngày.
b, Phòng bệnh:
- Sát trùng chuồng nuôi, các chất độn chuồng thường xuyên, chuồng phải khô ráo, không ẩm ướt.
- Không cho gà ăn những thức ăn để lâu ngày, lên men, nhiễm nấm mốc
- Nâng cao sức đề kháng cho gà đặc biệt vào mùa ẩm ướt.