1. Nguyên nhân
Virus Taura là loại virus Picornavirus, thuộc họ Picornaviridae, có dạng hình cầu 20 mặt, kích thước khoảng 31- 32 nm. Hệ thống gen là một mạch RNA. Virus ký sinh tế bào biểu mô và dưới biểu mô đuôi.
Hội chứng Taura thường gặp ở tôm thẻ chân trắng (L. vannamei = Penaeus vannamei) ở giai đoạn nuôi từ 14-45 ngày tuổi, cỡ 0,05-7,0g. Bệnh cũng có thể nhiễm trên tôm thương phẩm.
Dịch bệnh TSV rất nguy hiểm, thời gian ủ bệnh cao, lan truyền rất nhanh, có thể gây chết từ 40- 95% ở tôm nuôi từ post, tôm giống, tôm giống lớn.
Bệnh TSV cũng có thể nhiễm ở tôm sú (P. monodon), tôm he Nhật Bản (P. japonicus) và một số loại tôm khác.
2. Triệu chứng, bệnh tích
Tôm bị nhiễm TSV có triệu chứng tương tự như bị bệnh vi khuẩn.
- Tôm yếu, èo uột, vỏ mềm, ruột không có thức ăn, bơi lờ đờ trên mặt nước, tấp mé bờ, chậm lớn. Gan tụy có màu vàng hơn bình thường; mang, đuôi có thể bị sưng. Thân tôm (đuôi, chân bơi) có màu đỏ nhạt, hồng xám. Khi dùng kính hiển vi quan sát đuôi và chân bơi của tôm sẽ thấy có dấu hiệu hoại tử.
- Ở giai đoạn cấp tính, tôm thường chết trong quá trình lột xác. Trong độ tuổi 30-45 ngày, tôm thẻ chân trắng nhiễm TSV cấp tính có thể chết hàng loạt sau 2-3 ngày bỏ ăn. Đầu tiên thấy xuất hiện tôm chết dưới đáy, sau đó tôm nổi lên mặt nước và có nhiều tôm chết ở rìa ao.
- Nếu tôm sống lột vỏ được, chúng có thể hồi phục và sinh trưởng bình thường, dù vẫn nhiễm liên tục virus.
- Sau giai đoạn cấp tính, biểu bì bị hoại tử sẽ gây nên các đốm đen trên thân tôm, vỏ kitin ở đuôi và chân bơi bị ăn mòn, do vi khuẩn Vibrio spp.
- Tôm nhiễm TSV giai đoạn mạn tính: không có dấu hiệu bên ngoài, mô bệnh chỉ có trong tổ chức lympho của tế bào.
- Virus Taura có thể nhiễm trên tôm sú (P. monodon) gây ra bệnh đỏ đuôi: tôm có màu đỏ ở toàn bộ vùng đuôi quạt và các đốt thân kế tiếp ngược lên phía đầu; Chân bò, chân bơi cũng có màu đỏ. (Theo TS Văn Thị Hạnh)
Theo TS. Nguyễn Quang Tề, có thể quan sát thấy như sau:
+ Tôm chân trắng (L. vannamei) nhiễm bệnh TSV cấp tính, hôn mê, đuôi đỏ, mép đuôi hoại tử (thu mẫu ở Hải Phòng, 12/2002)
+ Tôm nhiễm bệnh TSV đuôi hơi chuyển màu hồng, có đốm đen trên thân tôm.
+ Tôm chân trắng thân chuyển màu hồng và đuôi có màu trắng đục (con phía trên)- mẫu thu Hải Phòng 11/2003
3. Kiểm soát bệnh
Hiện tại chưa có bất kỳ 1 quy trình xử lý hay điều trị bệnh Taura trên tôm khi tôm đã nhiễm bệnh và bắt đầu chết. Việc "điều trị" bệnh Taura chỉ góp phần kiểm soát dịch bệnh, hạn chế tối đa thiệt hại cho vụ nuôi. Phương pháp cơ bản là ngăn chặn không cho tôm lột xác bằng việc giảm thức ăn và duy trì pH > 8.0, liên tục sục khí và duy trì chất lượng nước tốt nhất có thể.
- Kiểm soát pH bằng cách bón vôi để duy trì pH > 8.0, nhất là sau khi mưa độ pH trong ao giảm xuống < 8.0 tôm sẽ lột xác và chết nhiều. Ngoài ra độ mặn cũng ảnh hưởng trực tiếp đến tỷ lệ chết của tôm, khi độ mặn thấp thiếu khoáng chất cho quá trình lột xác của tôm. Tuyệt đối không sử dụng hóa chất và chất kháng sinh để điều trị khi xảy ra bệnh trong ao nuôi.
- Hằng ngày cần phải dọn dẹp tôm chết khỏi ao để duy trì môi trường nước thật tốt, khi tôm ngừng chết 4-5 ngày thì nâng cao chất lượng thức ăn và thay nước cho ao nuôi. Tôm sau đó sẽ nhanh chóng phục hồi và có những vết sẹo trên lớp vỏ kitin và sẽ hết hoàn toàn sau vài lần lột xác.
+ Tôm phục hồi sau khi nhiễm bệnh
Hội chứng Taura (TSV) hay bệnh đuôi đỏ trên tôm thẻ chân trắng cực kỳ nguy hiểm, tuy nhiên nếu nắm rõ được cách kiểm soát dịch bệnh thì hoàn toàn có thể giảm tỷ lệ tôm chết đến mức thấp nhất có thể.