TT Phân Phối Thuốc Trang Trại FARMVET : X Kim Anh- H Kim Thành- T Hải Dương- GPKD số: 04F8000473- MST: 0800307128

Tư vấn kỹ thuật : 0977565565 | 8h – 19h00 ( Từ Thứ Hai  đến Thứ Bảy )

Viêm phế quản truyền nhiễm ở gia cầm (Bronchitis infectiosa avium, Infectious bronchitis- IB)

14/10/2019 | Nguyễn Hằng

Viêm phế quản là bệnh truyền nhiễm lây lan rất nhanh với các biểu hiện phong phú ở hệ hô hấp, hệ bài tiết và hệ sinh sản phụ thuộc vào tuổi gà mắc bệnh, với tỷ lệ mắc bệnh 50 - 100%, gây chết 0 – 25%. Bệnh đặc biệt nguy hiểm đối với gà con dưới 1 tháng tuổi, và gây thiệt hại nghiêm trọng gà nuôi lấy trứng giống và trứng thương phẩm.

1. Nguyên nhân

Bệnh viêm phế quản truyền nhiễm do virus thuộc nhóm Caronaviridae gây ra.

2. Loài gia cầm mắc bệnh

Gà, gà tây, cút chim.

3. Tuổi gà mắc bệnh

Tất cả các lứa tuổi gà đều có thể mắc bệnh.

Nhưng bệnh thường bùng phát vào 2 giai đoạn:

+ Lúc 1- 50 ngày tuổi.

+ Lúc gà đẻ cao nhất ( đẻ 85- 98%).

3. Mùa phát bệnh

Không phụ thuộc vào khí hậu.

4. Phương thức truyền lây

Bệnh truyền dọc từ mẹ sang con qua phôi và tryền ngang qua đường hô hấp và ăn uống.

5. Triệu chứng

5.1.Thể bình thường ở gà con 1- 50 ngày tuổi

- Bệnh bùng phát bất ngờ, lây lan rất nhanh ra cả đàn.

- Giảm và chán ăn, lông xù.

- Thở khó, há mồm rít khí tiếng rít sau giống tiếng sáo diều trùng lặp với nhịp thở.

- Chảy nhiều nước mũi do viêm khí quản, phổi.

5.2. Thể thận ở gà con 1- 50 ngày tuổi

Gà sốt cao uống nhiều nước, tiêu chảy mạnh, phân loãng trắng, cho gà uống kháng sinh chỉ giảm hoặc ngừng tiêu chảy 1-2 ngày, sau đó kháng sinh không có tác dụng, gà tiếp tục ỉa chảy.

Các biểu hiện khác như thể bình thường. Tỷ lệ chết từ rất ít không đáng kể đến rất nhiều, tùy vào thể bệnh và tuổi gà. Riêng thể thận luôn có tỷ lệ chết rất cao.

5.3. Viêm phế quản ở gà đẻ

Đàn gà đẻ hoàn toàn khỏe mạnh, không có biểu hiện bệnh lý, chúng ăn uống bình thường. Bỗng nhiên thấy mào gà đỏ tươi hơn bình thường tức là lúc IB bắt đầu bùng phát.

- Tỷ lệ đẻ sụt giảm mạnh từ 85- 98% xuống 30 – 40%, thậm chí có đàn xuống 25% trong khi đàn gà không có biểu hiện ốm.

- Vỏ trứng xù xì, biến dạng.

- Trứng mỏng vỏ, vỏ không đều, lòng trắng loãng, màu sắc của vỏ trứng mất hẳn. Tỷ lệ ấp nở của trứng có thể bị ảnh hưởng.

6. Mổ khám

6.1. Ở thể IB bình thường

- Khí quản chứa nhiều tiết dịch.

- Phế quản, phế nang cũng chứ nhiều dịch nhầy.

- Túi khí, phổi bị viêm phù nề.

6.2. IB thể thận

- Thận sưng to, lồi lên, màu nhợt nhạt nổi rõ các mao quản.

- 2 ống dẫn nước tiểu 2 bên thận chứa đầy urat trắng.

- Cơ thể gà khô xác khô do mất nước.

6.3. IB ở gà đẻ

- Mào tích đỏ tươi hơn lúc bình thường.

- Ống dẫn trứng ngắn và bé lại rất nhiều, trong đó có nhiều chất lỏng nhầy.

- Buồng trứng bị viêm thoái hóa, có màu vàng đỏ tươi đặc biệt các mạch máu trên các phôi trứng đỏ tươi nổi rõ, nhìn rõ, nhiều trường hợp gà bị chết đột tử do vỡ dập trứng non và gây viêm dính phúc mạc với các cơ quan nội tạng.

7. Điều trị

Phải tiến hành song song 2 bước:

Bước 1: Can thiệp ngay vacxin vào đàn gà bệnh.

- Nếu đàn gà chưa được dùng vacxin ND- IB hoặc IB chủng H120 thì cho uống IB chủng H120, sau 7 ngày cho uống vacxin IB chủng H52 hoặc IB.88 hoặc 793.B.

- Nếu đàn gà đã được dùng vacxin ND- IB hoặc IB chủng H120 thì cho uống ngay vacxin IB chủng H52 hoặc 4/91 hoặc IB.88 chủng 793.B

Bước 2: Cho uống DOXY-GEN 20/20 WSP kết hợp với MENTOFIN liên tục 5 ngày.

Bước 3: Bổ sung BIO ANAGIN C và MEGA-REVIVAL Liquid hỗ trợ quá trình điều trị.

8. Phòng bệnh

Chủ động dùng vacxin IB chủng H120 nhỏ mũi mồm cho gà con lúc 3-4 ngày tuổi lần 1, cho uống nhắc lại lần 2 lúc 18- 21 ngày tuổi và cho uống IB chủng H52 hoặc 4/91 hoặc IB.88 chủng 793.B lúc 30- 35 ngày tuổi. Nếu nuôi gà đẻ thì cho uống nhắc lại 15 ngày trước khi gà đẻ.

Để tránh lặp đi lặp lại ngày xử dụng vacxin chống 2 bệnh Newcastle và viêm phế quản truyền nhiễm người ta dùng vacxin nhị giá ND- IB vào các đợt:

+ Đợt 1: Lúc 3-4 ngày tuổi, nhỏ mắt, mũi, mồm.

+ Đợt 2: Cho uống lúc 18- 21 ngày tuổi để phòng 2 bệnh cũng lúc.

Nếu có nguy cơ mắc bệnh IB thể thận thì lần 2 nên sử dụng vacxin IB chủng H52 đó là 4/91 hoặc IB.88. Nếu nuôi gà đẻ thì trước khi lên đẻ 15 ngày cho gà uống lại IB chủng H52 tức 4/91 hoặc IB.88.

(Theo: PGS- TS Lê Văn Năm)

 
Thong ke

Gửi tin nhắn qua Zalo