1. BỆNH DỊCH TẢ HEO
Nguyên nhân : Do vi rút Dịch tả heo cổ điển
Triệu chứng :
- Trường hợp quá cấp tính: Bệnh phát ra nhanh, bỏ ăn, con vật ủ rũ, sốt cao 41-42o, con vật co giật rồi chết, diễn biến bệnh trong vòng 1 - 2 ngày, tỷ lệ chết cao.
- Trường hợp cấp tính: Biểu hiện lợn ủ rũ, bỏ ăn, sốt cao kéo dài đến lúc gần chết, mắt đỏ có ghèn, chảy nước mũi, miệng bị loét phủ nhựa vàng ở lợi, hầu,… lợn thường bị nôn mửa, nhịp thở rối loạn. Lúc đầu lợn bị táo bón sau đó dẫn đến tiêu chảy phân bết vào mông, đuôi mùi rất thối có khi có máu tươi. Trên cơ thể có nhiều điểm xuất huyết, vào cuối kỳ bệnh, lợn đi loạng choạng hoặc không đi được do bị liệt.
- Trường hợp mãn tính: Lợn bị tiêu chảy gầy yếu, lợn chết do kiệt sức, lợn có thể được chữa khỏi bệnh nhưng vẫn mang virus. Phổi sẽ bị xuất huyết và tụ huyết, niêm mạc bàng quang bị tụ huyết, xuất huyết, lách có hiện tượng nhồi huyết ở rìa làm cho lách có hình răng cư, gan bị tụ huyết xuất huyết, tim bị xuất huyết ở mỡ vành tim, túi mật có những điểm xuất huyết, thận có nhiều điểm xuất huyết lấm tấm như đầu ghim ở vỏ thận và tủy thận.
Cách phòng trị bệnh:
- Hiện tại chưa có thuốc đặc trị
- Bệnh có thể phòng được bằng cách tiêm phòng Vắc xin Dịch tả heo đúng lịch trình, khi lợn mới mua về phải nhốt riêng ra ít nhất 3 tuần, để tránh trường hợp lợn lây bệnh cho đàn. Chuồng trại phải luôn vệ sinh định kỳ, sát trùng, khi có dịch xảy ra lợn bệnh phải được xử lý ngay kịp thời.
2. BỆNH PHÓ THƯƠNG HÀN
Nguyên nhân : Do vi khuẩn Salmonella
Triệu chứng:
- Bệnh xuất hiện nhiều ở lợn con từ 20 ngày đến 3 tháng tuổi, thường có triệu chứng giảm ăn, bú ít, uống nhiều nước lạnh, gặm tường, lông xù, đứng run run như bị sốt rét, ăn rau, nổi da gà, sờ tai lợn lúc đầu thấy nóng hơn bình thường về sau thấy tai lợn lạnh do cơ thể sốt cao, kiểm tra nhiệt độ thấy sốt cao. Phân lúc đầu bị táo, có màng nhầy màu đen. Khoảng 3 – 6 ngày thấy rìa tai, góc tai màu tím đỏ có hiện tượng xuất huyết, sau đó lan đi khắp cơ thể. Không chữa trị kịp thời lợn sẽ bị ho, khó thở, tim đập yếu rồi chết, suy nhược.
- Trường hợp mãn tính con vật bị ỉa chảy, xen kẽ táo bón, thường phân lỏng vàng thối.
Phòng bệnh:
- Vệ sinh sạch sẽ chuồng trại, không nên nuôi lợn đã bị bệnh phó thương hàn.
- Khi trong chuồng có con bị bệnh thì phải cách ly điều trị, những con chưa bị bệnh phải dùng thuốc kháng sinh đặc trị.
- Chuông tại phải được phun thuốc sát trùng định kỳ.
- Phòng lợn bằng vacxin, thông thường nên tiêm cho lợn con lúc 21 ngày tuổi, tiêm nhắc lại khoảng sau 1 tháng.
Điều trị:
- Bệnh Phó thương hàn có triệu chứng rất giống với bệnh Dịch tả và thường ghép với bệnh dịch tả. dùng thuốc kháng sinh đặc trị để kiểm tra xem có phải bị bệnh Dịch tả hay Phó thương hàn. Những loại thuốc có hiệu quả với vi khuẩn Salmonella sinh ra bệnh Phó thương hàn bao gồm: Flumequin (rất tốt), Colistine (Tốt), Amoxylin (Tốt), Neomycin( kém), Enrofloxacin (tốt), Ampicyclin (tốt), Flophenicol (tốt), Kanamycin (Trung bình).
- Lưu ý thuốc kháng sinh Streptomycin không có tác dụng với bệnh phó thương hàn.
3. BỆNH ĐÓNG DẤU LỢN
Nguyên nhân : Do vi khuẩn gây bệnh Đóng dấu
Triệu chứng :
– Lợn nái mang thai: biểu hiện của bệnh đóng dấu gồm dễ đẻ non, biếng ăn, dễ xảy thai, sốt cao
– Lợn nái giai đoạn đẻ, nuôi con: Lợn cũng thường mất sữa, tỉ lệ con chết cao, biếng ăn.
– Lợn đực: Lợn thường lờ đờ, tinh dịch kém, bỏ ăn.
– Lợn cai sữa, lợn trưởng thành: Lợn sốt cao, bỏ ăn, trên da xuất hiện những mảng xuất huyết hình tròn, hình vuông, kích thước khác nhau
Điều trị : Kháng sinh nhóm Penicillin, Ampicillin... có tác dụng tốt để điều trị bệnh đóng dấu lợn
- BIO PENICILLIN 4 triệu UI cho 150kg thể trọng ( Tiêm ngày 2 lần )
- PENTREP LA : 1ml cho 10kg thể trọng ( 2 ngày 1 lần )
Phòng bệnh đóng dấu ở lợn:
– Lợn khỏe mạnh: Để phòng bệnh bà con cần chọn giống lợn tốt chỗ uy tín, môi trường sạch sẽ, thoáng mát và tiêm phòng vacxin cho lợn định kỳ
4. BỆNH LỞ MỒM LONG MÓNG
Nguyên nhân : do vi rút bệnh LMLM
Triệu chứng:
– Thời gian bệnh 2 – 4 ngày, có thể đến 21 ngày, triệu chứng, lợn chảy nước dãi, sốt cao liên tục, xuất hiện những mụn nước ở vùng chân, các mụn này phát triển thành mảng lớn, vỡ ra. Lợn bị bệnh hay nằm, chán ăn.
Phòng bệnh:
- Tăng cường tuyên truyền để mọi người hiểu biết về triệu chứng, tác hại và cách phòng bệnh. Giữ gìn chuồng trại luôn khô ráo, định kỳ phun sát trùng.
- Thức ăn, nước uống dùng cho lợn phải đảm bảo tiêu chuẩn vệ sinh thú y.
- Thực hiện các quy định phòng chống bệnh lở mồm long móng đúng theo Pháp lệnh Thú y.
- Tiêm phòng vắc-xin lợn lần 1 từ 2 tuần tuổi trở lên, sau 28 ngày tiêm nhắc lại lần 2, rồi theo chu kỳ cứ 6 tháng tiêm nhắc lại 1 lần.
Chống dịch lở mồm long móng:
- Người chăn nuôi phải thường xuyên quan sát đàn vật nuôi, khi thấy gia súc có hiện tượng lạ như sốt, bỏ ăn, chảy nước dãi, có bọt có mụn nước ở vùng miệng và quanh móng chân phải tiến hành cách ly ngay.
- Báo ngay cho thú y và chính quyền địa phương để được hướng dẫn các biện pháp xử lý thích hợp.
- Phải tiêm phòng vắc-xin xung quanh ổ dịch, người tiêm phòng phải có trách nhiệm thực hiện an toàn sinh học không làm lây lan dịch.
- Bệnh hiện nay chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, nên bà con chỉ có thể cho con vật ăn thức ăn mềm dễ tiêu, tăng cường chăm sóc nuôi dưỡng, bổ sung vitamin, vệ sinh môi trường, luôn giữ nền chuồng khô ráo.
- Xử lý các vết lở loét bằng cách rửa các loại thuốc sát trùng vào vết thương bị loét.
- Theo quy định hiện hành, bắt buộc phải tiêu hủy những ổ dịch thì sẽ được Nhà nước hỗ trợ kinh phí khoảng 70% giá trị của gia súc.
5. BỆNH SUYỄN LỢN
Nguyên nhân : Do Mycoplasma
Triệu chứng:
- Thời gian ủ bệnh khoảng 10 - 16 ngày, triệu chứng thở khó, hiện tượng ho xuất hiện sau 25 - 35 ngày hoặc 65 ngày. Có 4 cấp bệnh:
- Cấp tính: Lợn thường có thể sốt nhẹ, tách đàn, ăn kém, đứng hoặc nằm ở góc chuồng.
- Thứ cấp tính: Lợn ốm ho nhiều, há mồm thở nhanh, thóp bụng, sốt nhẹ. Bệnh thường diễn biến trong 2 tuần.
- Mãn tính: Lợn ho khô vào sáng sớm, sau khi ăn. Ho từng tiếng một hoặc từng hồi, thở nhanh, khó thở, có lúc bí đại tiện, sau bị ỉa chảy.
- Ẩn tính: Thể này ít gặp, nếu có thì xảy ra ở lợn trưởng thành, lợn thịt. Lợn thỉnh thoảng ho, khó phát hiện, nên lợn thường bị chết bất thường.
Phòng bệnh:
- Vệ sinh chuồng trại, máng ăn uống, định kỳ khử trùng. Phải đảm bảo nhiệt độ chuồng nuôi ổn định, ấm về mùa đông và mát về mùa hè.
- Luôn đảm bảo vệ sinh thức ăn và nước uống, và có đầy đủ chất dinh dưỡng.
- Không bắt lợn vận động liên tục phải cho lợn có chế độ nghỉ ngơi hợp lý.
- Mua con giống từ những nơi an toàn, uy tín.
- Phát hiện nghi vấn, phải cách ly ngay theo dõi bệnh tình chặt chẽ để có cách thức phòng trị kịp thời.
Điều trị:
- Phác đồ 1: Dùng thuốc MG 200 Premix trộn vào thức ăn, nước uống với liều lượng 100gr/500 kg thể trọng. ( liên tục 7 ngày )
- Phác đồ 2:
+ CEFTRIONE LA tiêm bắp với liều lượng 1ml/10 - 15 kg thể trọng ( 2 ngày 1 lần )
+ BIO METASAL tiêm bắp ( tăng sức lực cho lợn) với liều lượng 1ml/5- 10 kg thể trọng.
- Phác đồ 3:
+ BIO TIAMULIN 10% tiêm bắp với liều lượng 1ml/5-7kg thể trọng,
+ BIO METASAL tiêm bắp ( tăng sức lực cho lợn) với liều lượng 1ml/5 - 10kg thể trọng.
- Phác đồ 4: Dùng thuốc
+ LINSPEC 5/10 1m/ 5-7kg thể trọng/ngày phối hợp với NOVA BROMHEMXINE PLUS 1ml / 10 kg thể trọng/ngày. Tiêm bắp thịt ngày 1 lần, dùng liên tục 5-7 ngày đến khi lợn khỏi .
Phòng bệnh :
Tiêm vác xin đúng quy trình kết hợp chăm sóc nuôi dưỡng tốt và đảm bảo tiểu khí hậu chuồng nuôi tốt sẽ phòng được bệnh Suyễn heo